Cần quy hoạch đủ tầm
Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên Quảng Ninh cũng phải đối diện với không ít thách thức. Theo đó, tỉnh sớm nhận định những hạn chế, cũng như các lợi thế hiện nay. Đó là cơ cấu kinh tế toàn tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm công nghiệp khai thác tiêu tốn nhiều tài nguyên hữu hạn sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã tăng cường sự kết nối với các địa phương, hành lang kinh tế trong nước và thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Đặc biệt hơn, hiện nay đang là giai đoạn Chính phủ triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tỉnh xác định cần gắn quy hoạch của mình vào quy hoạch tổng thể vùng và đất nước... Điều này thôi thúc Quảng Ninh có một quy hoạch mới toàn diện, đầy đủ và phù hợp hơn.
Quảng Ninh ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các đơn vị tư vấn.
Quảng Ninh nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh là căn cứ quan trọng trong triển khai phát triển KT-XH. Bởi thực tế không có quy hoạch thì rất khó trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực một cách bài bản, hiệu quả cao nhất; khó tạo được môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển KT-XH, cũng như khai thác được tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh. Vì thế, tỉnh coi quy hoạch là nền tảng, công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển trên quan điểm "muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, muốn có dự án tốt phải có quy hoạch tốt, quy hoạch phải đi trước một bước".
Kế thừa và phát triển các quy hoạch chiến lược của tỉnh trước đây, Quảng Ninh đã mạnh dạn báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài là những chuyên gia, đơn vị uy tín hàng đầu thế giới và trong nước, như Công ty TNHH McKinsey Việt Nam, Công ty Tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) và Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) để nghiên cứu, tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với quan điểm không khoán trắng mọi việc cho tư vấn, tỉnh đã đổi mới cách thức, phương pháp triển khai lập quy hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để chỉ đạo triển khai xây dựng đồng bộ các quy hoạch từ cấp tỉnh đến địa phương; thành lập các tổ tư vấn giúp việc và trực tiếp làm việc với các đơn vị tư vấn triển khai nghiên cứu lập quy hoạch.
Đến nay, Ban Chỉ đạo có hơn 60 cuộc họp với tổ công tác và đơn vị tư vấn; gần 250 cuộc họp chuyên đề giữa các chuyên gia và các sở, ngành, địa phương; gần 40 cuộc khảo sát chuyên ngành tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã thực hiện gửi lấy ý kiến tham gia của 19 đơn vị bộ, ngành Trung ương, 12 tỉnh, thành phố trong vùng và lân cận theo quy định. Trong đó, trực tiếp làm việc với 3 bộ (Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT).
Đơn vị tư vấn tham gia vào công tác lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện công tác lập quy hoạch tỉnh cơ bản hoàn thành bản dự thảo, đảm bảo tiến độ đề ra. Quá trình làm việc, các đơn vị đều đánh giá cao nội dung đồ án quy hoạch của tỉnh, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong công tác triển khai lập quy hoạch, cũng như quyết tâm của tỉnh trong việc đưa ra các mục tiêu, định hướng và các giải pháp triển khai quy hoạch tỉnh rất bài bản, kỹ lưỡng.
Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: Không ai hiểu mình hơn chính mình. Chỉ có chúng ta mới biết được chúng ta có những tiềm năng, lợi thế gì và tầm nhìn ra sao, mong muốn 20-30 năm tới như thế nào, để từ đó lập quy hoạch cho phù hợp và hiện thực hóa được mục tiêu đó. Vì thế, dù có thuê tư vấn lập quy hoạch, các cấp chính quyền của Quảng Ninh chính là những người lăn lộn nhất trong công tác lập quy hoạch cho tỉnh với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và dài hạn.
Trên cơ sở đó, dự thảo quy hoạch đã nhận diện những mâu thuẫn, thách thức hiện nay, đó là mâu thuẫn giữa không gian phát triển rộng lớn, tiềm năng to lớn, với sự hạn hẹp về thể chế, cơ chế chính sách của một địa phương đang giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc; mâu thuẫn, xung đột giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, với phát triển du lịch, dịch vụ cùng trên một địa bàn, cùng một không gian phát triển; mâu thuẫn giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế với đảm bảo độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ ở khu vực biên giới. Cùng với đó là mâu thuẫn giữa phát triển bền vững với hóa giải thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu; mâu thuẫn giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, bảo vệ môi trường.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành trong năm 2022 sẽ tăng cường thêm kết nối, cũng như cơ hội phát triển cho các khu vực, địa phương trong và ngoài tỉnh.
Từ đánh giá về bối cảnh, nhận diện về các mâu thuẫn, thách thức, trong quan điểm phát triển cần nhấn mạnh về quan điểm phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Quảng Ninh kiến tạo các hành lang phát triển mới để khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển, tạo ra động lực và nguồn lực phát triển mới; huy động nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và xã hội hoá; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.
Dự thảo quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu... Tầm nhìn năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao…
Định hướng phát triển không gian là “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực phát triển, hai vành đai đô thị ven biển và vùng đồi”. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 7 đơn vị hành chính cấp quận; phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển đứng đầu các tỉnh ven biển phía Bắc, đạt đẳng cấp khu vực và thế giới về phát triển đô thị biển, công nghiệp biển, du lịch dịch vụ biển và dịch vụ hàng hải...
Mối quan hệ liên vùng của Quảng Ninh trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Có thể thấy, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân...
Trong tương lai, khi xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, với tuy duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dài hạn được thể hiện trong quy hoạch tỉnh, vị trí có nhiều lợi thế về mọi mặt, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, hiệu quả, phù hợp, chất lượng. Các quy hoạch sẽ được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, giúp tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc. "Quảng Ninh sẽ tiến thật xa..." đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng tỉnh trong cuộc làm việc tháng 4 vừa qua.