Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW).
Ảnh minh họa.
Kế hoạch nhằm quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH.
Mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Bắc Giang theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, làm trung tâm dẫn dắt sự phát triển của các tiểu vùng, là động lực quan trọng cho phát triển KT-XH các địa phương và của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh cao hơn mức trung bình toàn quốc; bộ máy chính quyền tại các đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng nâng cao, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng.
Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32,4%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 5 - 7%. Toàn tỉnh có 17 đô thị, trong đó 01 đô thị loại II (thành phố Bắc Giang mở rộng), 02 đô thị loại IV là thị xã (thị xã Việt Yên, thị xã Chũ), 03 đô thị loại IV là thị trấn (thị trấn Thắng, thị trấn Đồi Ngô và thị trấn Vôi) và 11 thị trấn là đô thị loại V gồm 07 đô thị hiện có và 04 đô thị thành lập mới. 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết các đô thị đạt khoảng 45 - 50%. Mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang (sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang); điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn thành thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16%. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 29,6 m2. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; 100% dân số trưởng thành tại đô thị có nhu cầu, đủ điều kiện có tài khoản thanh toán điện tử.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 7 - 9%. Toàn tỉnh có 25 đô thị, trong đó 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Giang), 01 đô thị loại III (thị xã Việt Yên), 02 đô thị loại IV là thị xã (thị xã Hiệp Hòa, thị xã Chũ), 02 đô thị loại IV là thị trấn (thị trấn Vôi, thị trấn Đồi Ngô) và 19 thị trấn là đô thị loại V, trong đó 09 thị trấn được thành lập mới trong giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100% (đối với các đô thị phải lập quy hoạch phân khu); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết của các đô thị đạt trên 60%. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị của thành phố Bắc Giang đạt trên 19 m2, các đô thị loại III, loại IV đạt trên 8 m2, các đô thị loại V đạt trên 6 m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 32,7 m2.
Trong đó, để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị và Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.