Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về cung cấp nước sạch cả đô thị và nông thôn với tỷ lệ người dân dùng nước đạt trên 94,5%. Chống thất thoát nước tại các vùng khan hiếm nguồn nước đã và đang được Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) triển khai.
Nhân viên HueWACO dò tìm rò rỉ bằng thanh nghe điện tử
Trước tình trạng biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng hạn kéo dài làm nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Theo dự báo, năm 2022, khu vực Chân Mây - Lăng Cô sẽ thiếu 5.000m3/ngày đêm do HueWACO đã ngừng khai thác nguồn nước sông Thừa Lưu vào cao điểm nắng nóng và sự hồi phục kinh tế du lịch sau đại dịch COVID-19, chưa tính đến các dự án (DA) đầu tư mới trong khu vực với nhu cầu khoảng 2.000m3/ngày đêm như Kim Long Motor, DA Laguna Giai đoạn 2, chợ Lăng Cô, Lộc Bình…
Nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nước và phát triển bền vững, ngoài việc đầu tư nâng cấp các nhà máy xử lý nước, tìm kiếm nguồn nước mới bổ sung thay thế, việc giảm thiểu nước không doanh thu được xem là giải pháp cấp bách và có ý nghĩa đối với các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn như khu vực Chân Mây - Lăng Cô, Lộc Trì, Lộc Bình. Với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giảm thiểu nước không doanh thu, ngày 15/2/2022, HueWACO đã tái cơ cấu, thành lập bộ phận Xí nghiệp Quản lý mạng, đây là đơn vị chuyên trách chống thất thoát chuyên nghiệp.
Theo lãnh đạo xí nghiệp quản lý mạng, hiện đơn vị đang tập trung chống thất thoát vùng điểm, tiếp tục hoàn thiện phân vùng tách mạng và dò tìm rò rỉ các DMA có tỷ lệ thất thoát cao; dò tìm các điểm chảy ngầm khó phát hiện hay các điểm chảy nổi trên các đường ống truyền tải, phân phối, trên các ống dịch vụ vào nhà khách hàng, các điểm rò rỉ của các bể chứa bồn chứa của các trạm bơm, trạm tăng áp mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, xí nghiệp đã phối hợp với Xí nghiệp Cấp nước Hương Phú huy động 25 công nhân cùng nhiều phương tiện máy móc hiện đại triển khai dò tìm rò rỉ tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Sau một tuần triển khai đã kiểm tra bypass 14 DMZ tại 370 hộ dân với khoảng gần 60km đường ống và đã phát hiện các điểm chảy trên ống chính. Dự kiến đến cuối tháng 5, xí nghiệp sẽ hoàn thành công tác dò tìm toàn bộ khu vực Chân Mây - Lăng Cô với khoảng 226km đường ống. Đồng thời, thực hiện song song vừa chống thất thoát vừa kết hợp duy tu bảo dưỡng để đưa tỷ lệ thất thoát của khu vực ở mức thấp nhất một cách an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo HueWACO, để công tác chống thất thoát đi vào chiều sâu, giai đoạn 2022- 2026, công ty tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, lắp đặt các đồng hồ vùng, đồng hồ biên để hoàn chỉnh công tác phân vùng tách mạng. Đối với công tác dò tìm rò rỉ sẽ thực hiện dò tìm DMZ, dò tìm chủ động DMA, dùng bơm nâng áp để phát hiện rò rỉ ở các khu vực áp thấp, hay những vùng thất thoát cao khó phát hiện. Ngoài ra, sẽ xây dựng ban hành quy trình về dò tìm rò rỉ và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề; đầu tư trang thiết bị hiện đại và phần mềm phân tích điểm chảy, lắp đặt thí điểm đồng hồ đo đếm từ xa tại các DMA; nhằm thực hiện công tác chống thất thoát giảm thiểu nước không doanh thu giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng kinh tế, bền vững, hiệu quả.
Cùng với các giải pháp chống thất thoát nước tại các vùng khan hiếm nguồn nước trên địa bàn, HueWACO đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành Nhà máy Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm); khánh thành Nhà máy Thượng Long công suất 2.000m3/ngày đêm; hoàn thành kế hoạch, phương án đầu tư trạm trung chuyển điều áp Châu Sơn 10.000m3 để ngừng khai thác nhà máy nước ngầm Phú Bài 5.000m3/ngày đêm bị nhiễm mặn; đầu tư xây dựng nhà máy Lộc Thủy 11.000m3/ngày đêm, lấy nước từ hồ Thủy Yên phân kỳ theo 4 giai đoạn (giai đoạn 1: 12.500m3/ngày đêm)…