Đô thị Quảng Ninh ngày càng hiện đại và thân thiện với môi trường.
Ngay từ các quy hoạch đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh đã mời các đơn vị tư vấn hàng đầu của nước ngoài như Tập đoàn McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản) tham gia. Bước đầu, các quy hoạch này đã bám sát không gian phát triển của tỉnh là “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, bảo đảm tính liên kết để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, của cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Đồng bộ công tác quy hoạch
Quảng Ninh đặt mục tiêu quy hoạch phải đáp ứng và phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết cao, tạo bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế, tạo ra một Quảng Ninh phát triển vượt trội và bền vững. Từ các quy hoạch chiến lược, tỉnh Quảng Ninh xác lập tầm nhìn dài hạn, gắn với xây dựng quy hoạch đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch chung với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, có định hướng, tầm nhìn chiến lược với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần tự lực tự cường, khát vọng phát triển trên cơ sở của một địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Nổi bật nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thay đổi căn bản năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển từ “nâu” sang “xanh”; xác định các đột phá chiến lược, các trọng tâm, trọng điểm với tầm nhìn dài hạn để huy động nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu.
Đơn cử, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã góp phần mở rộng không gian phát triển của thành phố, tăng cường liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bên cạnh đó, thành phố Cẩm Phả nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, nhất là sau khi tuyến đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả hoàn thành vào cuối năm 2021 đã mở ra không gian mới phát triển kinh tế-xã hội, đô thị bền vững hơn.
Với vai trò là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía bắc, Quảng Ninh ra “đề bài” cho các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các cơ chế đặc thù để tỉnh thật sự phát huy vị trí chiến lược, trở thành điểm trung chuyển chiến lược giữa Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam; giữa các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, nhất là điểm trung chuyển chiến lược trong hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ...
Quy hoạch phải tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.
Quảng Ninh yêu cầu đơn vị tư vấn trong xây dựng quy hoạch cần làm rõ những mâu thuẫn, thách thức của Quảng Ninh giữa khai thác than bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với phát triển du lịch; giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế với bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững với hóa giải tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống; giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và phát triển môi trường; từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng của Quảng Ninh.
Lấy giao thông làm đòn bẩy
Trong chuyến thăm Quảng Ninh đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh và đánh giá cao công tác thực hiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, quy hoạch “một tâm, hai tuyến, đa chiều” đã hình thành và chứng minh sự đúng đắn, góp phần kết nối hành lang kinh tế đông-tây, tạo kết nối vùng, phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước, cùng với Hải Phòng đã trở thành cực tăng trưởng mới; đồng thời Quảng Ninh xác định ba đột phá chiến lược, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước và đã làm rất tốt việc này, mang lại hiệu quả tích cực.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động hơn 123 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Hạ Long-Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã hoàn thành, tạo sự liên kết đồng bộ hạ tầng giao thông trong tỉnh và khu vực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cả vùng.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, Quảng Ninh là địa phương luôn được cả nước đánh giá cao và học hỏi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quy hoạch chiến lược với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững trong hơn 10 năm qua. Điều này khẳng định mô hình quản trị, quản lý và tư duy của các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn đi trước. Tuy nhiên, quan điểm, mục tiêu, phương pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 cần được tính toán, bổ sung thêm trên cơ sở cập nhật bối cảnh tình hình hiện nay. Theo đó, các thiết kế đưa ra cần có bản sắc riêng và xây dựng các tiêu chí phải ở mức cao hơn, mang tầm quốc gia, quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, thành công nhất của Quảng Ninh đó là tạo ra sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện rõ nhất là công tác đầu tư, hợp nhất, sáp nhập các cơ quan có cùng nhiệm vụ; cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận với công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Qua đó, đã mang lại niềm tin của nhà đầu tư với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Hơn nữa, tỉnh không chỉ có cơ chế, chính sách đổi mới, sáng tạo với nền hành chính hiện đại, tạo dựng được niềm tin của nhà đầu tư, mà còn truyền được khát vọng đổi mới, làm giàu, sớm đưa Quảng Ninh phát triển lên tầm cao mới.
Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là tiếp tục tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng bền vững, tạo tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền bắc và cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững.