Những đổi thay trong lòng phố biển
Trong ký ức của những người dân thành phố biển, Nha Trang ngày mới giải phóng chỉ có vài khách sạn dọc theo đường Trần Phú, cái cao nhất chỉ 4-5 tầng. Dáng vẻ đô thị chỉ có ở những phường trung tâm như: Lộc Thọ, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Phương Sài… Các xã vùng ven, kinh tế vẫn còn thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, giao thông kém phát triển.
Qua 45 năm, Nha Trang đã vươn mình trở thành một đô thị du lịch năng động. Không gian đô thị ngày càng mở rộng, khách sạn cao tầng mọc lên san sát, giao thương phát triển… đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố biển. Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, đến năm 2020, thành phố có hơn 426.000 người dân, trong đó dân số thành thị chiếm 67,6%. Thực hiện Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hầu hết các xã, phường đã có quy hoạch phân khu được phê duyệt với tỷ lệ phủ kín 96,3%. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị (KĐT), khu chức năng đã và đang phát huy hiệu quả, đảm bảo định hướng phát triển của thành phố trong tương lai. Bên cạnh những bước tiến đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, Nha Trang còn phát triển nhiều dự án nhà ở, KĐT mới hiện đại, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới, văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: Hiện nay, thành phố có 108 dự án nhà ở, KĐT mới và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư. Một số dự án KĐT hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đã chuyển sang khai thác kinh doanh như: KĐT Vĩnh Điềm Trung, KĐT VCN - Phước Long I, KĐT VCN - Phước Long II, KĐT VCN - Phước Hải, KĐT mới Phước Long, KĐT An Bình Tân, KĐT mới Lê Hồng Phong I, KĐT mới Lê Hồng Phong II, KĐT Mỹ Gia... đã góp phần làm thay đổi diện mạo ở khu vực phía Tây thành phố.
Một góc phía Nam TP. Nha Trang. Ảnh: Khoa Trần
Đặc biệt, đường Võ Nguyên Giáp và đường Vành đai 2 được xây dựng và đưa vào sử dụng đã góp phần làm bật lên tiềm năng của khu vực Tây Nha Trang. Ông Phan Việt Hoàng - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa đánh giá: “Nhờ chủ trương đúng đắn của các cấp lãnh đạo tỉnh khi định hướng phát triển đô thị về phía Tây Nha Trang, bằng những hành động cụ thể, trong đó có việc triển khai 2 công trình giao thông trọng điểm và huyết mạch kết nối TP. Nha Trang với khu vực phía tây đã tạo tiền đề phát triển những KĐT hiện đại hiện nay và tương lai”.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, như: Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, Nút giao thông Ngọc Hội, Kè bờ phường Vĩnh Nguyên, Tỉnh lộ 3, Đường 30 - kết nối đường 23-10 với đường Võ Nguyên Giáp, Bệnh viện Đa khoa Nha Trang… Trong thời gian tới, khi các dự án này hoàn thành, thành phố có thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Hướng đến đô thị xanh, bền vững
Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm qua, Nha Trang đã tạo được hình ảnh đô thị năng động, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng kịp thời sự gia tăng mạnh mẽ của lượng khách du lịch. Tuy nhiên, thành phố chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, nhiều chỉ tiêu về phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu đề ra. Thành phố đứng trước sức ép về nhà ở và quỹ đất hạn hẹp, không gian xanh bị xâm hại, thu hẹp dần, thiếu cả số lượng và chất lượng; tỷ lệ cây xanh trên đầu người ở thành phố còn thấp; quỹ đất dành cho giao thông chưa đạt yêu cầu…
Để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn xã hội hóa). Trước mắt, thành phố sẽ quan tâm đẩy mạnh thực hiện các dự án phát triển không gian công cộng, tăng cường cây xanh công viên dọc bờ biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, công viên cây xanh dọc hai bên bờ sông Cái…; đẩy mạnh phong trào trồng cây và tăng số cây xanh đến hết năm 2022 lên 1.257ha.
Để hướng đến xây dựng thành phố hiện đại, phát triển bền vững dựa trên việc phát huy cao độ những lợi thế vốn có, Nha Trang đang thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) làm đơn vị tư vấn đang được hoàn thiện, lấy ý kiến người dân trước khi trình cơ quan chức năng thông qua. “Mục tiêu đặt ra là xây dựng Nha Trang thành đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc. Đồng thời, Nha Trang phải trở thành một trung tâm du lịch sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng cao cấp; là một trung tâm nghiên cứu sáng tạo gắn với môi trường sống thân thiện, trong lành, giàu giá trị văn hóa, nhân văn của cả nước và khu vực”, ông Nguyễn Sỹ Khánh chia sẻ.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 đã định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng: Nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có; phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam, phía Đông (ra biển và trên các đảo, nhưng phải đảm bảo tôn tạo và phát huy được các giá trị cảnh quan đặc trưng). Thành phố sẽ phát triển theo hướng đô thị đa trung tâm, với trung tâm chính là dải đô thị ven biển, trên biển và các khu trung tâm khác tại: khu vực sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái Đồng Trũng phía Nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre, dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh các công viên trong mỗi khu đô thị. Trọng tâm của các khu trung tâm đô thị là các công trình, cụm công trình điểm nhấn cao tầng để bổ sung và nhấn mạnh ấn tượng đô thị, làm gia tăng giá trị cảnh quan và du lịch của đô thị, gia tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị.
Bên cạnh đó, đồ án còn quy hoạch hệ thống các trung tâm chuyên ngành nhằm đảm bảo chỉ tiêu về quy hoạch hạ tầng xã hội đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân như: Khu trung tâm văn hóa - sự kiện - dịch vụ - hội chợ đa năng và bảo tàng tích hợp vào quảng trường Đại Dương; trung tâm văn hóa sự kiện tại KĐT phía Nam đường Phong Châu và trong các KĐT đáp ứng nhu cầu thực tế; xây dựng mới khu trung tâm thể dục thể thao tại Phước Đồng; bổ sung khoảng 14ha đất trung tâm y tế tại các xã: Vĩnh Ngọc, Diên An; quy hoạch mới khoảng 53ha đất giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề tại khu vực Hòn Nghê, Phước Đồng. Ngoài ra, yêu cầu bố trí tối thiểu 30ha đất giáo dục chuyên nghiệp và nghiên cứu tại KĐT sáng tạo công nghệ cao - vườn ươm doanh nghiệp ở khu vực Tây Nha Trang và tối thiểu 10ha tại KĐT phía Tây Bắc hồ Vĩnh Hòa; bổ sung thêm một số trường THPT tại các xã: Vĩnh Trung, Phước Đồng, Vĩnh Phương…
Trong thời gian qua, công tác lập quy hoạch được triển khai minh bạch, có ý kiến đóng góp về ý tưởng quy hoạch của các chuyên gia, tư vấn và các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. “Theo các chuyên gia, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 cơ bản đã cụ thể được một số nội dung về phát triển đô thị bền vững. Tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, Nha Trang sẽ có sự phát triển vượt bậc, xứng đáng là một hình mẫu về xây dựng đô thị thông minh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa”, ông Nguyễn Sỹ Khánh bày tỏ.
Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tập trung nguồn lực hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại I với đô thị Nha Trang và khu vực nội thị hiện nay; đầu tư xây dựng 19 phường hiện trạng đảm bảo tiêu chuẩn phường thuộc đô thị loại I; xây dựng xã Vĩnh Thái đạt tiêu chuẩn phường thuộc đô thị loại I. Đến năm 2030, tập trung nâng cấp các xã đạt tiêu chuẩn thành lập phường, đạt tỷ lệ đô thị hóa 95%; tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn phường thuộc đô thị loại I đối với các phường đã được công nhận và các xã dự kiến phát triển thành phường còn lại.