Các nước ASEAN đã nhất trí tìm giải pháp nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong khu vực. Qua đó thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: ASEN.org
Trong 2 ngày (16-17/3), Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 28 với chủ đề "Hành động: Cùng nhau giải quyết thách thức" được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng đầu tiên của ASEAN trong lĩnh vực kinh tế kể từ khi Campuchia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong đề xuất 3 lĩnh vực chủ chốt mà các nước ASEAN có thể tập trung cùng thúc đẩy để hồi phục kinh tế.
Trong đó nhấn mạnh ASEAN cần hành động nhanh chóng để đối phó với những thách thức hiện nay, thông qua tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN. Qua đó, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các nước thành viên cần phải khẳng định vai trò như một tổ chức khu vực năng động và tiến bộ thông qua hợp tác trong các lĩnh vực đang nổi như nền kinh tế xanh hay nền kinh tế kỹ thuật số.
Tại hội nghị, các nước ASEAN đã nhất trí gia hạn hiệu lực của Bản ghi nhớ về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu theo Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong ứng phó với COVID- 19 cho đến ngày 13/11/2024 cũng như mở rộng danh sách các mặt hàng thiết yếu của ASEAN
Đại diện các nước ASEAN cũng kêu gọi đẩy nhanh nối lại hoạt động đi lại trong khu vực một cách an toàn.
Điều đáng chú ý là tại hội nghị này, các nước cũng nhất trí khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA, có hiệu lực từ tháng 5/2010) nhằm tối đa hóa tiềm năng thương mại trong khối và tăng cường hội nhập kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng và đa dạng hóa đối với ASEAN nhằm ứng phó với những thách thức không lường trước trong tương lai, duy trì phát triển kinh tế bền vững.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đề nghị các nước ASEAN thống nhất cách tiếp cận thực tế trong đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA nhằm đem lại giá trị gia tăng thực sự cho doanh nghiệp các nước ASEAN.
Việc nâng cấp ATIGA còn nhằm tạo thuận lợi cho thương mại thông qua giải quyết các rào cản thuế quan, cải thiện sự minh bạch, tạo thuận lợi cho các nước thành viên tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cũng như ứng phó với các vấn đề đang nổi như kỹ thuật số hóa và nền kinh tế xanh.