Bùng nổ về đầu tư XDCB
Mở đầu hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới, bùng nổ về đầu tư XDCB. Không chỉ nguồn vốn ngoài ngân sách mà vốn ngân sách đầu tư cho XDCB cũng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Năm 2022, riêng tổng kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh hơn 9,5 nghìn tỷ đồng.
Đây là điều đáng mừng, lâu rồi Bắc Giang mới có nguồn lực đầu tư cho XDCB lớn như vậy. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nguồn vốn lớn nhưng vẫn cơ chế, con người cũ, nếu không khắc phục ngay những bất cập thì sẽ xảy ra thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Một thách thức khác trong đầu tư XDCB là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện nay, Bắc Giang cùng lúc triển khai hàng loạt công trình, dự án, làm sao vượt qua thách thức này, bảo đảm tiến độ dự án cũng là bài toán khó.
Có vốn, quản lý tốt, có mặt bằng song vấn đề lựa chọn các nhà thầu, tư vấn, xây lắp, cung ứng lắp đặt thiết bị vẫn còn những bất cập. Đồng chí viện dẫn, qua kiểm tra thực tế, vẫn hạng mục đó, phần việc đó nhưng có nhà thầu rất tích cực, ngày đêm huy động nhân lực triển khai, có nhà thầu lại chậm, thi công đủng đỉnh. Có công trình tư vấn thiết kế trở thành hiện thực khiến nhiều người hài lòng, có công trình lại nhiều lỗi trong khâu thiết kế, thẩm định, lựa chọn của các sở, ngành.
Các đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn nên cần phải có hội nghị chuyên đề về XDCB để rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế triển khai cho năm tới. Trong đó, tập trung vào những vướng mắc, đề xuất kiến nghị để thực hiện hiệu quả.
Tập trung GPMB
Trên cơ sở gợi mở của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thảo luận tại hội nghị, các ý kiến tập trung bàn về công tác GPMB, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.
Đồng chí Đặng Đình Hoan chia sẻ kinh nghiệm về GPMB.
Đồng chí Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang chia sẻ, TP GPMB theo phương châm đồng bộ, quyết liệt, không để dễ làm trước, khó làm sau mà theo hình thức cuốn chiếu. Phát động chiến dịch làm đồng bộ, kiểm kê toàn bộ, chủ động phương án tái định cư sớm. Vì thế, tiến độ các dự án cơ bản kịp thời, nhất là dự án trọng điểm. TP đã giải quyết dứt điểm nhiều dự án tồn tại kéo dài.
Với cách làm trên, năm 2022, tất cả dự án làm mới của TP phấn đấu khởi công trong 6 tháng đầu năm. Trong quá trình GPMB, TP đề xuất tới đây cần điều chỉnh giảm giá bồi thường đối với cây sưa khi thu hồi đất; bổ sung vốn để giải quyết bất cập trên nút giao với quốc lộ (QL) 31.
Đồng chí Thân Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang nêu, năm ngoái, toàn huyện phê duyệt 195 dự án với tổng mức đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2021 gần 1 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân đạt 100% kế hoạch. Nhờ có sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của các sở, ngành nên công tác chuẩn bị đầu tư trên địa bàn bảo đảm tiến độ. Năm 2022, toàn huyện phải GPMB khoảng 1 nghìn ha đất. Để thực hiện kế hoạch, đồng chí lãnh đạo huyện phụ trách khối thường xuyên kiểm tra tiến độ công trình, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ ngay tại hiện trường. Cùng đó, huyện chuẩn bị đầu tư sớm các công trình khởi công năm 2023 từ tháng 3/2022.
Dự án đường giao thông, đoạn qua xã Việt Lập (Tân Yên) được nhà thầu tập trung thi công.
Nhân dịp này, huyện Lạng Giang đề nghị khẩn trương bàn giao mốc nút giao cao tốc tại thị trấn Vôi để huyện tổ chức GPMB; tỉnh hỗ trợ kinh phí cho huyện khoảng 100 tỷ đồng để cải tạo nút giao cao tốc kết nối QL 37 tại xã Hương Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, dù số dự án thực hiện tại huyện và diện tích không lớn song địa phương gặp nhiều trở ngại khi GPMB, nhất là dự án Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử. Nguyên nhân là do công tác quản lý đất đai qua nhiều thời kỳ không được quan tâm. Sơn Động có đặc thù nhiều tuyến đường trước đây chỉ là khai thác lâm nghiệp nay thành đường tỉnh, đường huyện nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân không trừ phần hành lang đường. Có trường hợp dù sinh sống hàng chục năm trên đất nhưng đất không được cấp sổ. Tới đây, để khắc phục hạn chế này, huyện tổ chức rà soát toàn bộ để hướng dẫn, xử lý từng trường hợp theo đúng quy định.
Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất nâng cao công tác lựa chọn tư vấn, thiết kế, thẩm định; cập nhật kịp thời đơn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt công trình sử dụng công nghệ, vật liệu tiên tiến; phân cấp cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng cấp huyện được thẩm định dự án thuộc nhóm C để giảm tải việc cho tuyến tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Khởi công các dự án trong quý II/2022
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, năm vừa qua Bắc Giang đã đạt được kết quả tích cực trong công tác đầu tư XDCB. Đó là khởi công được tất cả các dự án, đưa nhiều công trình, dự án vào sử dụng, khai thác, tạo tiền đề cho đầu tư XDCB giai đoạn 5 năm (2021-2025).
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực XDCB có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Tuy nhiên, nhìn lại công tác đầu tư XDCB vẫn còn hạn chế, tất cả các khâu đều chậm, từ giao vốn, GPMB cho đến thi công, quyết toán.
Bên cạnh đó, đơn giá vật liệu xây dựng chưa cập nhật kịp thời, thiếu nguồn đất san lấp mặt bằng, thiếu hướng dẫn. Nhiều địa phương, sở, ngành quá tải trong thực hiện nhiệm vụ vì lực lượng cán bộ mỏng. Đó là những vấn đề cần khắc phục.
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận hội nghị.
Đồng chí lưu ý, khối lượng đầu tư XDCB ngày càng lớn, nguồn lực đầu tư thêm đa dạng, phong phú. Vì vậy, quản lý đầu tư XDCB cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đây chính là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021-2025. “Để đạt được mục tiêu thì phải có đầu tư. Đầu tư có thành hiện thực thì phải thông qua công tác XDCB, cho nên chúng ta phải tập trung cao vào việc này”- đồng chí Lê Ánh Dương nói.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, chúng ta phải lường trước nhiều biến động tình hình thế giới, trong nước, cần có giải pháp ứng phó kịp thời. Giải pháp đầu tiên là cần đẩy nhanh tiến độ tất cả các dự án bởi chậm ngày nào thì chi phí bị đội lên ngày đó. Muốn nhanh thì tất cả các công đoạn phải nhanh, đặc biệt khâu chuẩn bị đầu tư và GPMB phải nhanh, khẩn trương khởi công các dự án trong quý II, không để dự án nào sang quý III.
Các nhà thầu trúng thầu cần có phương án dự phòng khi vật liệu tăng giá, tập trung nguồn lực dự trữ vật liệu có thể tăng giá. Với điều kiện như hiện nay cần áp dụng các gói thầu điều chỉnh dự toán, cập nhật thường xuyên tình hình giá nguyên vật liệu để có cơ sở tham chiếu.
Đồng chí chỉ đạo, nâng cao chất lượng các khâu và không gì bằng phải chống được quan liêu, mọi việc bám sát thực tiễn. Có cơ chế tháo gỡ nhanh khó khăn, vướng mắc. Duy trì cơ chế đánh giá đối với đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp, công khai năng lực để thuận cho việc lựa chọn đơn vị chất lượng.
Về đề xuất ủy quyền, phân cấp, đồng chí giao cho Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh, tiếp tục phân cấp, tránh tình trạng nơi làm việc quá tải, nơi lại không có việc làm. Tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ cán bộ; chống tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác XDCB, xây dựng cán bộ giỏi chuyên môn, có phẩm chất tốt.