Quy hoạch vùng nông thôn gắn liền với thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái của Hà Nội là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân tại khu vực nông thôn, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Du lịch sinh thái ngày càng được nhiều gia đình trẻ ưu chuộng. Ảnh: VGP/Thành Nam
Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Ngay trong khu vực nội đô, cách trung tâm Hà Nội không xa, quận Long Biên được biết đến như là "thủ phủ" của du lịch sinh thái. Nơi đây từng là ngoại thành của Hà Nội với những bờ bãi, vườn cây được phù sa sông Hồng bồi đắp, tạo nên một vùng có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phì nhiêu. Sau quá trình đô thị hóa, đến nay mô hình du lịch sinh thái tại đây đang phát triển ngày càng mạnh với những cái tên quen thuộc như: Làng văn hóa và ẩm thực Nắng sông Hồng (phường Bồ Đề); Khu du lịch sinh thái Long Thành (phường Ngọc Thụy); Khu du lịch sinh thái Rose Park Đầm Trành (phường Thạch Bàn)...
Ngoài ra, Long Biên cũng là "thủ phủ" của các trang trại giáo dục dành cho đối tượng học sinh mẫu giáo, tiểu học với các loại hình trải nghiệm như tham quan, chơi các trò chơi dân gian, tìm hiểu về các loài động, thực vật, làm bánh... Điển hình nhất của mô hình này phải kể đến trang trại Erahouse (phường Giang Biên) với hàng trăm nghìn lượt học sinh từ các trường trong và ngoài Thủ đô Hà Nội đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm.
Dịch chuyển ra phía Tây Thủ đô, chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ di chuyển về khu vực núi Ba Vì, du khách có thể dễ dàng lựa chọn các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như: Khoang Xanh - Suối Tiên, trang trại Đồng Quê (xã Vân Hòa); Khu du lịch Ao Vua, hồ Tiên Sa, (xã Tản Lĩnh), Khu du lịch Đồng Mô (Sơn Tây), hay hồ Quan Sơn (Mỹ Đức).
Ngoài ra, tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất... ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả, gợi nhớ về miệt vườn Tây Nam Bộ giữa lòng Hà Nội... Có thể thấy, tiềm năng phát triển mô hình du lịch sinh thái tại Hà Nội rất lớn.
Nói về việc phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê… Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó nâng cao đời sống người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù
Để mô hình này phát triển bền vững, Hà Nội xác định phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, cùng với việc ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã thúc đẩy nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này; đồng thời hỗ trợ đào tạo người dân làm du lịch…, qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…
Mặt khác, Hà Nội sẽ thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch vùng; doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch. Đặc biệt, Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch nông nghiệp văn minh, thân thiện và hiện đại.
Cùng với đó, Thành phố cũng đang đẩy mạnh xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, quảng bá các sản phẩm du lịch và nông nghiệp như: Phần mềm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, phần mềm quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng các website, chợ giao dịch điện tử...
Đồng thời xây dựng mô hình làng du lịch thông minh, số hóa trung tâm thông tin (điểm check-in, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về điểm du lịch và cung ứng dịch vụ âm thực...) trong liên kết với các điểm du lịch lân cận theo tour, tuyến.
Trên cơ sở các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng, Thành phố yêu cầu xác định các điểm đến du lịch nông thôn hiện có, đã được đầu tư, hỗ trợ và dự kiến phát triển những điểm đến du lịch Nông thôn mới; Đánh giá ưu điểm và những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của các điểm đến để xác định nội dung hỗ trợ đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Giai đoạn vừa qua, UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp khác như: Xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp.
Hà Nội cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố…