Nhiều người đã đưa ra dự báo, trong năm 2022 khi hoạt động du lịch phục hồi trở lại, các phân khúc BĐS như căn hộ, nhà phố - biệt thự, BĐS nghỉ dưỡng trong khu vực sẽ có những khởi sắc hơn.
Thị trường trầm lắng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhìn chung trong năm 2021 thị trường BĐS ở khu vực miền Trung với tâm điểm là TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế tiếp tục đà sụt giảm theo năm 2020. Tuy nhiên, ở phân khúc nhà phố, biệt thự và đất nền lại có những chuyển biến tích cực. Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho năm 2022, với kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại tại hầu hết các phân khúc còn lại...
Ông Võ Hồng Thắng - đại diện Công ty DKRA Việt Nam cho biết, năm 2021 trong khi Quảng Nam dẫn đầu nguồn cung đất nền, Thừa Thiên - Huế dẫn dắt nguồn cung nhà phố/biệt thự. Trong khi đó, TP. Đà Nẵng lại ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ căn hộ mới tăng mạnh so với giai đoạn trước năm 2020. Đặc biệt, ở phân khúc condotel không ghi nhận có dự án mới mở bán. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã ban hành những chính sách hỗ trợ thanh toán, dòng tiền cho khách hàng như kéo dài lịch thanh toán, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi vay… Nhưng, nhìn chung thị trường này vẫn khá trầm lắng.
Thị trường BĐS miền Trung có nhiều triển vọng trong năm 2022
Cụ thể, xét về từng phân khúc, năm 2021 phân khúc đất nền tại thị trường Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ghi nhận 17 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.670 sản phẩm. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1,138 sản phẩm, tương đương 68% nguồn cung mới. Nguồn cung tăng so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức khá thấp nếu so với giai đoạn năm 2018 trở về trước. Các dự án tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, trong khi TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế khan hiếm nguồn cung mới. Sức hấp thụ chung toàn thị trường ở mức khá thấp. Mặt bằng giá sơ cấp tăng, tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn chỉnh và tiến độ hạ tầng rõ ràng. Còn thị trường thứ cấp kém sôi động.
Thị trường căn hộ ghi nhận 7 dự án mở bán (khoảng 910 căn) trong năm qua. Các dự án đều tập trung tại TP. Đà Nẵng. So với năm 2020, tổng nguồn cung mới bằng 80% (1.137 căn). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 591 căn, chỉ bằng 65% nguồn cung mới và bằng 88% so với năm trước (673 căn). Riêng tại TP. Đà Nẵng, nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với năm 2020 trở về trước, đây là mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.
Trong khi đó, ở phân khúc nhà phố, biệt thự khu vực Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trong năm qua, thị trường đón nhận 1.036 căn mở bán đến từ 11 dự án, tăng gấp 3,7 lần so với năm trước (280 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 67%, tương đương 692 căn, gấp 2,8 lần so với năm 2020. Thừa Thiên - Huế dẫn đầu phân khúc về nguồn cung và lượng tiêu thụ cả 3 thị trường. Riêng TP. Đà Nẵng, nguồn cung mới cải thiện hơn so với năm 2020, nhưng vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn 2016 - 2019. Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2021 chỉ đạt 177 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (khoảng 42 căn) trên nguồn cung mới. Loại hình nhà phố/shophouse cung cấp ra thị trường khoảng 64 căn đến từ một dự án, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 14%.
Kỳ vọng phục hồi
Nhiều người đã đưa ra dự báo, trong năm 2022 khi hoạt động du lịch phục hồi trở lại, các phân khúc BĐS như căn hộ, nhà phố - biệt thự, BĐS nghỉ dưỡng trong khu vực sẽ có những khởi sắc hơn. Bởi, trong thời gian đến thị trường BĐS tại các địa phương ở miền Trung sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai và hoàn thiện sẽ tiếp tục “khép kín” cung đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Đồng thời, việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại các địa phương trong khu vực, đặc biệt là tại Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.
Theo đại diện Công ty cổ phần BĐS Sunland miền Trung, trong hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng các sản phẩm BĐS bị ngắt quãng. Nhà đầu tư đã chuyển tiền nhàn rỗi của mình qua các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, dòng tiền bắt đầu quay về thị trường BĐS. Như vậy, trong thời gian tới, các hoạt động đầu tư địa ốc ở khu vực kỳ vọng sẽ sôi động hơn. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hiền Ninh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Nam Miền Trung cho rằng, vì ảnh hưởng từ dịch bệnh các địa phương tại miền Trung chưa có dự án được mở bán mới trong hai năm qua. Hiện tại, dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt, kèm theo đó là ngành du lịch được hoạt động trở lại nên các nhà đầu tư có thể sẽ trở lại “đón sóng” thị trường BĐS.
Một trong số những điểm sáng, đang được nhiều người kỳ vọng là sự trở lại của phân khúc đất nền tại Đà Nẵng. Trên thực tế, thành phố này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư. Vài năm trở lại đây, địa phương đang hướng đến phát triển với ba lĩnh vực chủ chốt gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng nơi đây vẫn đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn. Hiện, nguồn cung BĐS đất nền tại Đà Nẵng tập trung tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu.
Đặc biệt, Đà Nẵng và Quảng Nam đang bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An… Đây là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng và Hội An. Việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho thị trường BĐS ở Đà Nẵng lẫn Quảng Nam.
Trong khi đó, với định hướng đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian qua, địa phương này đã và đang đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng giao thông đô thị theo hướng hiện đại. Xây dựng bản đồ phát triển BĐS khu vực nhằm thu hút đầu tư. Hiện, Thừa Thiên - Huế cũng đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển BĐS để thu hút đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.