Việc lựa chọn phát triển thành phố Lai Châu theo hướng đô thị xanh - thông minh được xem là hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; nhằm khai thác hết các lợi thế về văn hóa, vị trí địa lý, tài nguyên con người và các nguồn lực của thành phố. Góp phần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí hướng tới đô thị loại II theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Lai Châu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp với nhiều công việc phải triển khai cho cả nhiệm kỳ 2020-2025; trong khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thành phố Lai Châu đã triển khai phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị; từng bước hoàn thiện các tiêu chí hướng tới đô thị loại II. Hiện nay, thành phố có 100% đường giao thông được cứng hóa; 100% tuyến đường chính, 90% ngõ hẻm được lắp điện chiếu sáng; 85% tuyến đường nội thị được đầu tư trồng cây xanh; 100% dân số nội thị, 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
Xây dựng thành phố xanh - thông minh được chính quyền và Nhân dân thành phố Lai Châu đang nỗ lực thực hiện. Trong ảnh: Một góc thành phố Lai Châu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Xiêng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết: Trên cơ sở đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Lai Châu và các vùng phụ cận đến năm 2035, trong năm 2021, thành phố tổ chức triển khai thực hiện 4 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong đó 1 đồ án đã được phê duyệt, 3 đồ án đang tiếp tục triển khai. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rà soát, thống nhất giữa quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, sau đó trình UBND tỉnh quy hoạch sử dụng đất thành phố giai đoạn 2021-2030. Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ phủ kín quy hoạch đạt 100%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt trên 85%. Ngoài ra, thành phố đang tích cực thực hiện kêu gọi, thu hút đầu tư lập quy hoạch và thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị, thương mại dịch vụ sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Hiện nay, phát triển đô thị xanh - thông minh là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các đô thị tại Việt Nam vì những lợi ích thiết thực trong quản lý, phát triển đô thị theo hướng văn minh - hiện đại và nâng cao chất lượng đô thị, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, để xây dựng thành phố Lai Châu xanh - thông minh, ngoài việc giữ gìn những bản sắc vốn có của địa phương, thành phố sẽ mang những nét đặc trưng như: xây dựng một nền nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại; có các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn; phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh; hệ thống cây xanh đô thị phong phú; vấn đề ô nhiễm môi trường được giải quyết; đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, thành phố đã và đang xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ thông tin trong quản lý; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt khoảng 35%. Xây dựng hệ thống mạng lưới camera giám sát giao thông, an ninh tại tất cả nút đường giao thông trục chính, khu vực công cộng của thành phố.
Khi nói về những thuận lợi để xây dựng thành phố xanh - thông minh, đồng chí Đỗ Văn Xiêng nhấn mạnh: Thành phố Lai Châu là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh, dân số đô thị tăng nhanh; các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về nguồn vốn, làm thay đổi diện mạo đô thị và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, thành phố từng bước thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, thành phố cũng gặp một số khó khăn là các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế thành phố còn thấp, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh còn hạn chế, hiện chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chưa có cơ sở hỏa táng... Tốc độ đô thị tăng nhanh về quy mô nhưng chất lượng chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp dẫn đến hạn chế bất cập về nhu cầu bãi đỗ xe, ngập úng cục bộ, trung chuyển, xử lý rác thải, nước thải. Đội ngũ làm công tác về công nghệ thông tin, ứng dụng đô thị xanh - thông minh còn yếu và thiếu. Do đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị với rà soát, đánh giá lại quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và quản lý quy hoạch; chú trọng áp dụng tiêu chí đô thị thông minh, đô thị xanh vào quy hoạch. Trên cơ sở đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Lai Châu và các vùng phụ cận đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thành phố sẽ triển khai lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư để phân kỳ đầu tư cho hợp lý, có kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, thành phố đang phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của đô thị xanh - thông minh, nâng cao năng lực ứng dụng và quản lý chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như mọi người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương - Trưởng Phòng Quản lý đô thị cho biết: Hiện, thành phố đang thực hiện có chiến lược, kế hoạch xây dựng đô thị thông minh theo từng giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, các dự án thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và luôn tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư. Tập trung nguồn lực thu hút, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, rà soát, lập quy hoạch chi tiết cây xanh theo hướng phát triển đô thị mang bản sắc thành phố miền núi Tây Bắc; trong đó chú trọng phát triển một số tuyến đường, khu vực trồng cây ban trắng và cây bản địa; đồng thời, có nhiều mô hình kết nối, huy động hiệu quả người dân vào cuộc trong phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác đô thị và quản lý đô thị nhằm bảo đảm các tuyến đường trên địa bàn thông thoáng, sạch đẹp, tiến tới xây dựng thành phố Lai Châu có môi trường sống trong lành, an toàn, xứng đáng là một thành phố đáng sống.