Ngày 24/2, lần đầu tiên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thành phố như một tuyệt tác tập thể,” đề cao vai trò của cộng đồng trong việc tham gia kiến tạo các không gian sống, đóng góp vào xã hội.
Hà Nội luôn đẹp trong con mắt người dân và du khách nước ngoài về nếp sống, cảnh đẹp và tinh thần khí chất
Tọa đàm thu hút nhiều tổ chức, cá nhân yêu Hà Nội, có những đóng góp với Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong việc huy động cộng đồng tham gia các dự án xã hội. Nhiều dự án được đưa ra thảo luận tại tọa đàm, trong đó, dự án "Photovoice với người lao động di cư" chia sẻ về cách tiếp cận giúp người nhập cư, bán hàng rong, lao động phổ thông kể về quan hệ của họ với Hà Nội. Dự án "Cải tạo bãi rác thành sân chơi" tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm kể về việc xây dựng tính sở hữu của cộng đồng với không gian công cộng. Còn dự án "Cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở sông Hồng" chia sẻ về cách tạo dựng một nền tảng để các bên như: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay vì mục đích chung.
Với những người lao động di cư đến thành phố, dự án Photovoice nhìn nhận họ là một phần của thành phố, có những đóng góp nhất định cho cuộc sống thường ngày của người dân Thủ đô. Dù họ chỉ là những người bán hàng rong, xe ôm, thợ xây, người bốc vác, thợ làm móng... Tuy vậy, vẫn không ít người cho rằng, họ không là một thành phần của thành phố, vẫn có những định kiến về sự tham gia của họ trong thành phố. Dự án Photovoice tạo cơ hội cho họ bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống của mình; về góc nhìn của họ đối với thành phố thông qua những bức ảnh tự ghi lại hàng ngày trong quá trình làm việc.
Những người không có thiết bị chụp, dự án cung cấp điện thoại thông minh để chụp. Chỉ từ tháng 1 - 3/2021, 34 người lao động di cư tham gia dự án đã chụp hơn 1.500 bức ảnh. 64 câu chuyện kể tập trung về con người, văn hóa, môi trường vừa chân thực, tự nhiên, sinh động. Anh Vũ Toàn, doanh nghiệp xã hội ECUE bày tỏ, tiếng nói của những người lao động di cư chưa được tính đến trong các quy hoạch của thành phố. Vì vậy, quy hoạch của Hà Nội cần tính đến cả nhu cầu, đặc thù của họ để Hà Nội là thành phố đáng sống cho tất cả mọi người.
Dự án "Cải tạo bãi rác thành sân chơi" tổ 16, phường Phúc Tân và dự án "Cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở sông Hồng, phường Chương Dương", đều thuộc quận Hoàn Kiếm và có điểm chung cải tạo bãi rác ô nhiễm ven sông Hồng thành các không gian công cộng, vui chơi cho người dân trong khu vực. Hai dự án do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống khởi xướng với sự tham gia các tổ chức như: Think Playgrounds, ECUE, Keep Hanoi clean, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cùng một số tổ chức, cá nhân thực hiện.
Điều đáng nói, đây là hai dự án cộng đồng nên những người thực hiện đã huy động sự tham gia của đông đảo cộng đồng một cách hiệu quả. Thậm chí, từ chỗ phản đối, không tin tưởng nhưng qua sự thuyết phục, giải thích của những người thực hiện, người dân đã đồng thuận, vui vẻ góp công, góp sức cùng cải tạo thành không gian xanh, nâng cao môi trường, điều kiện sống cho chính mình. Đây là lối triển khai mới, có nghĩa triển khai từ chính cộng đồng đầu tiên, vì lợi ích cộng đồng để cộng đồng cùng tham gia, đồng thời, phát huy trách nhiệm, ý thức của họ trong việc gìn giữ, duy tu sau này. Trong quá trình triển khai, có sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền, các đoàn thể từ phường sở tại đến quận Hoàn Kiếm cũng như các doanh nghiệp, tổ chức khác.
Ông Lê Quang Bình, điều phối viên "Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống" chia sẻ, hai dự án cải tạo cảnh quan, hình thành không gian công cộng ven sông Hồng đi đúng nguyện vọng của nhân dân nên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong khu vực, cũng như sự đồng hành nhiệt tình của chính quyền địa phương. Đó cũng là động lực để thời gian tới "Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống" sẽ triển khai các dự án tiếp theo. "Thành phố đang thuộc về chúng ta, chúng ta đang hưởng lợi những lợi ích thành phố mang lại. Vì vậy, mọi người cần đóng góp để thành phố trở thành nơi đáng sống" - ông Lê Quang Bình bày tỏ.
Ngoài các kinh nghiệm thực tế, tọa đàm có phần thảo luận về triết lý và cách thức để các cá nhân, tập thể có thể tham gia vào kiến tạo nên thành phố một cách sáng tạo và hiệu quả.