Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Nhà máy Điện gió Trà Vinh V1.3 do Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh làm chủ đầu tư (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải).
Theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (đơn vị phối hợp xây dựng quy hoạch), hiện Trà Vinh đạt trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập ngang với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); với vị trí là một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng sạch của vùng, kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ cao và các động lực tăng trưởng tập trung, hiện đại, khai thác hiệu quả các lợi thế của tỉnh trong vùng ĐBSCL và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Do vậy, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng phát triển, nhất là kinh tế biển của tỉnh đối với vùng trong 10 năm, 30 năm tới... là những vấn đề cần quan tâm.
Thế mạnh của tỉnh là nông, lâm nghiệp, trong đó thủy sản, cây ăn trái, cây lúa là những ưu thế, là đòn bẩy để phát triển kinh tế gắn với khai thác tiềm năng kinh tế biển. Do đó, trong từng giai đoạn, cần có quan điểm rõ ràng: thứ nhất, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển mạnh sản xuất hàng hóa có chất lượng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thu nhập cao cho nông dân. Thứ hai, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ. Thứ ba, phát triển nông nghiệp hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm; gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Thứ tư, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa nông thôn, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.
Trên các quan điểm đó, mục tiêu phát triển thời kỳ 2021 - 2030 là xây dựng nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, sạch, hữu cơ, gắn với chế biến nông sản, thích ứng với BĐKH và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản cả nước; đưa Trà Vinh trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL. Cũng cần xác định tầm nhìn đến năm 2050, thủy sản là ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có thu nhập ngang bằng mức bình quân chung của vùng và cả nước.
Sơ đồ phát triển kinh tế theo hướng liên huyện của tỉnh đến năm 2025.
Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn chuyển đổi dần cơ cấu sản xuất theo hướng ưu tiên lựa chọn các mô hình sản xuất “thuận thiên” thích ứng dần với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai và nâng cao năng lực phục hồi của hệ thống sản xuất.
Song song đó, tỉnh cần định hướng phát triển các ngành sản phẩm quan trọng: nâng cao hiệu quả sử dụng và giữ ổn định khoảng 80.000ha đất trồng lúa; diện tích gieo trồng khoảng 195.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,18 triệu tấn/năm, góp phần cung cấp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phát triển vùng sản xuất trọng điểm lúa gạo tại các huyện vùng ngọt; đối với cây ăn trái, thực hiện tuyển chọn giống cây đầu dòng chất lượng và đặc sản nhằm tạo các giống chất lượng tốt thích ứng được với BĐKH, tập trung ở các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh; phấn đấu diện tích dừa đến năm 2030 đạt 22.800ha, sản lượng 327.300 tấn.
Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, Chủ nhiệm Dự án, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương; chuyển từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực. Do vậy, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn là nhiệm vụ trọng tâm; chuyển một phần rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để tận dụng lợi thế phát triển các sinh kế từ rừng, đặc biệt là thủy sản sinh thái dưới tán rừng và du lịch sinh thái, nhưng cần đảm bảo chức năng ưu tiên của rừng là bảo vệ bờ biển, chống xói lở đất, tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH; phát triển các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng. Tôm nước lợ là thế mạnh của tỉnh, là sản phẩm thuộc nhóm chủ lực quốc gia, tập trung phát triển mạnh ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Phát triển rừng ngập mặn đảm bảo đạt độ che phủ trên diện tích tự nhiên đến năm 2025 đạt 4,2%, đến năm 2030 đạt 4,5% theo mục tiêu đã đặt ra, trong đó ưu tiên phát triển cả diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất nhằm khai thác tối đa vai trò bảo vệ và khả năng sinh lợi từ rừng và dưới tán rừng.
Nhằm đạt các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế đề ra, tỉnh sẽ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
Song song đó, cần phân vùng thủy lợi: vùng ngọt, vùng ngọt hóa, vùng mặn, vùng cù lao nhằm kiểm soát mặn… gắn với phương án phát triển hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, cống, đê biển, đê sông, công trình kè, trạm bơm… Đặc biệt, tỉnh sớm triển khai những dự án thu hút đầu tư khai thác và nuôi thủy sản, ngành có tiềm năng phát triển và có giá trị kinh tế cao; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; lĩnh vực thương mại - dịch vụ, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp với đặc thù về địa lý, văn hóa, tôn giáo của địa phương, có tính đến khả năng liên kết với các địa phương lân cận và vùng ĐBSCL. Tập trung vào các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch cù lao, du lịch biển.