Sáng 19/1, Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 họp thông qua dự thảo, triển khai nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự có các đồng chí: Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Bá Ân, chuyên gia cao cấp, Chủ nhiệm dự án; các đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị tư vấn, thành viên Ban Quản lý dự án quy hoạch tỉnh. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Việc lập quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh về vị trí địa kinh tế - chính trị, tài nguyên du lịch tự nhiên; các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đặc thù khác của Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển khá và bền vững của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động KT - XH, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa các tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh và chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển, cần thiết phải lập quy hoạch tỉnh trên cơ sở tích hợp các nội dung, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các huyện, Thành phố liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tính đến yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế là rất cần thiết theo yêu cầu của hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh để phát triển Cao Bằng.
Đại diện đơn vị tư vấn thông qua báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh.
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn thông qua báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển tỉnh như: vị trí địa lý, địa kinh tế - chính trị và vị thế, vai trò của Cao Bằng đối với vùng, cả nước; đặc điểm KT - XH, đánh giá điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh. Quan điểm, mục tiêu phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá phát triển của tỉnh, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; tổ chức không gian các hoạt động KT - XH trên địa bàn tỉnh; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hâu; quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Các giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục bổ sung hợp phần quy hoạch khoáng sản, trong đó, bổ sung thêm nội dung các tiêu chuẩn yêu cầu về trình độ, công nghệ, quy mô, công suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường để loại bỏ một số loại hình dự án khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, không hiệu quả kinh tế. Các mục tiêu cụ thể trong công tác bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản và có lộ trình, mục tiêu. Rà soát, cập nhật các chỉ tiêu sử dụng đất theo các quyết định phê duyệt quy hoạch, sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của UBND tỉnh; xem xét, đánh giá, sắp xếp lại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho phù hợp, quy hoạch phát triển không gian đô thị cần có độ mở.
Thông tin đúng về các địa danh, di tích lịch sử; bổ sung thêm một số hồ sinh thái; di sản có tầm quốc tế; đánh giá đầy đủ về tiềm năng danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch và di sản văn hóa phi vật thể. Nâng cấp một số điểm, quần thể di tích trên địa bàn Thành phố như chùa Viên Minh, đền Quan Triều; quy hoạch hệ thống giao thông, đặc biệt là kết nối giao thông giữa các phường với khu trung tâm Thành phố; quan tâm quy hoạch cụm công nghiệp; hệ thống chợ, chợ đầu mối. Quy hoạch vùng sản xuất vật liệu thông thường tập trung, tạo thành khu vực có tiềm năng, thế mạnh, không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Có định hướng quy hoạch tốc độ phát triển nông nghiệp; bổ sung Di tích lịch sử quốc gia đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc). Nhất trí phương án các huyện thuộc vùng 3 phía Tây (Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm). Đưa vùng phát triển quy hoạch thị trấn, một số cây trồng đặc hữu tại địa phương, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sinh thái.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, cử tổ công tác tại địa bàn để trao đổi, thống nhất giữa các bên theo từng lĩnh vực, địa phương, rà soát tổng thể nội dung, định hướng phát triển để chỉnh sửa khung dự thảo. Có định hướng không gian phát triển khu vực trung tâm, phía Đông, phía Tây phù hợp.
Các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố nghiên cứu, chỉnh sửa chỉ tiêu GDP phù hợp với giai đoạn phát triển KT - XH; lấy ý kiến tập thể, cán bộ chủ chốt tham gia góp ý bản dự thảo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để hoàn thiện dự thảo. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc các đơn vị và xem xét, nghiên cứu thời gian, rà soát chi tiết dự thảo quy hoạch, phấn đấu quý II/2022 hoàn thiện dự thảo để trình HĐND tỉnh.