Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2021, trong năm 2021, bất chấp dịch Covid-19, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện liên tiếp các đợt sốt đất (tháng 2, 3 và tháng 11, 12).
Cụ thể, giá căn hộ chung cư khá ổn định, tăng nhẹ, nhưng giá nhà đất biến động mạnh, tăng bình quân 20-30%...
Hầu hết các dự án mở bán có tỷ lệ hấp thụ tốt.
Nguồn cung lớn từ đất đai trong dân
Tổng quan chung về thị trường, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản đầu năm 2021 chưa có dấu hiệu bứt phá. Nguồn cung tuy vẫn ở mức cao, song chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước. Chính sách tín dụng siết chặt cộng thêm những khó khăn về thủ tục, ách tắc pháp lý nên nhiều dự án không thể triển khai.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 trong năm diễn biến khá phức tạp; đặc biệt Hà Nội đã có 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, gần như làm thị trường đóng băng. Không chỉ nhà đầu tư mà cả người mua cũng có tâm lý thủ tiền, chưa muốn đầu tư trong giai đoạn này khiến việc bán nhà gặp khó khăn.
Trong năm 2021, lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường ngoài 13.789 sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai đã được Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận, còn có một phần là hàng tồn từ các năm trước, trong đó phân khúc căn hộ trung và cao cấp chiếm số lượng lớn.
Đáng chú ý, ngoài các dự án được phê duyệt, thị trường Hà Nội còn xuất hiện nhiều bất động sản đất nền (chủ yếu là đất đai trong dân) được đưa vào tham gia, tạo nguồn cung cho thị trường, ước đạt hàng nghìn sản phẩm. Những địa phương xuất hiện nhiều sản phẩm đất nền của dân đang chào bán gồm: Sơn Tây, Ba Vì, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Sóc Sơn.
Nhiều bất động sản tự do tham gia thị trường và hiện tượng đổ xô tìm kiếm bất động sản để đầu tư đã làm nóng thị trường bất động sản Hà Nội. Hiện tượng sốt đất đã liên tiếp diễn ra trong các tháng 2, 3, 11, 12. Sốt đất diễn ra chủ yếu tại các vùng đất đai trong dân cư và ở các vùng ngoại thành, có xu hướng phát triển thành quận.
Giá nhà đất tăng
Theo Sở Xây dựng, trong năm 2021, có tổng cộng 27 dự án bất động sản có sản phẩm mới đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản, trong đó có 8.989 căn hộ chung cư và 4.800 nhà ở thấp tầng. Tại các dự án, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ hấp thụ quý I-2021 đạt 38%, cho thấy những dấu hiệu khởi sắc của thị trường.
Tuy nhiên, quý II và quý III-2021, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20-30% do tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quý IV-2021, thị trường đã khởi sắc trở lại, nâng tỷ lệ hấp thụ đạt trên 50%.
Tại khu vực đất đai tự phân lô bán nền của nhân dân, Sở Xây dựng cho biết, có hiện tượng chào bán nhiều nhưng giao dịch thực tế ít, chủ yếu là giữa các nhà đầu tư với nhau. Ước lượng giao dịch thực chỉ đạt 10-15% lượng chào bán.
Về giá cả, nhìn chung giá căn hộ chung cư khá ổn định và chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, tại các dự án bất động sản có quy hoạch được duyệt, căn hộ chung cư tăng khoảng 5% so với năm 2019, 2020. Nhà liền kề tăng mạnh, tùy theo khu vực, tăng 20-30% so với năm 2020. Tại các phố trung tâm, giá cả không biến động.
Tuy nhiên, giá nhà đất trong dân ghi nhận sự biến động mạnh, tăng khoảng 30%. Đặc biệt, một số vùng trước đó có giá thấp, nay tăng khoảng 50% như: Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh, Sóc Sơn.
Về tồn kho bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, lượng tồn kho trong năm đối với các dự án mở bán là không nhiều. Lượng cung cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu mua nhà của người dân. Cụ thể, theo báo cáo nhanh của các chủ đầu tư, đối với loại hình nhà ở chung cư, trong 6 tháng đầu kể từ khi mở bán, lượng tiêu thụ đạt khoảng 50-70% tổng số sản phẩm.
Trong 1 năm kể từ ngày mở bán, cơ bản đã tiêu thụ được từ 90% số lượng sản phẩm. Đối với loại hình nhà ở thấp tầng, trong tình hình hiện nay, cơ bản tiêu thụ hết trong vòng 6 tháng kể từ ngày mở bán. Cá biệt có dự án có thể tiêu thụ hết ngay 100% sản phẩm trong vòng 3 tháng kể từ ngày mở bán.