Tỉnh tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, CNTT, viễn thông, khu kinh tế và dịch vụ cảng biển.
Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Điều này góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh với tăng trưởng GRDP năm 2021 ước đạt 10,28%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7.614 USD/người và là một trong hai tỉnh dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê từ đầu năm đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 42.440 tỷ đồng, bằng 82% dự toán, 96% so với cùng kỳ.
Không chỉ riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh còn cho thấy sự tăng trưởng nhanh qua các năm khi bình quân 5 năm tăng 10,7%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 của tỉnh đạt gần 220.000 tỷ đồng, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016-2020 đứng thứ 16 trên 63 địa phương, tăng 53,1%.
Xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng trong năm 2021
Từ đầu năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Ngày đầu năm mới 2021, cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương chính thức được thông xe và đưa vào khai thác sau 14 tháng xây dựng. Việc hoàn thành công trình đồng bộ với nâng cấp, thông tuyến đường 389, cầu Mây đã rút ngắn quãng đường di chuyển giữa thị xã Đông Triều với quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng như với tỉnh Hải Dương, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hà Nội.
Cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy kết nối Quảng Ninh với Hải Dương có tổng mức đầu tư 687 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Nam.
Tiếp đà phát triển và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng trọng điểm, Quảng Ninh thu về nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhánh trái - nhánh cuối cùng của đường hầm xuyên núi thuộc dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - được thông ngày 23/7. Đây là đường hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh và cũng là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2021.
Cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyến cao tốc này còn có khả năng kết nối liên vùng, nội vùng và quốc tế để thúc đẩy phát triển các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm và khu vực phía bắc.
Cầu vượt biển Vân Tiên dài 1.515 m, nằm trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Quốc Nam.
Rót 58.700 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021-2025
Để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa. Riêng 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn tỉnh ước đạt 39.292 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tiếp tục thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như “vốn mồi” để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư. Tỉnh dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 gần 58.700 tỷ đồng, riêng năm 2021 là gần 11.700 tỷ đồng.
Trong đó, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Đây sẽ là bàn đạp để tỉnh thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm tại Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong…
Một số dự án quan trọng cũng đang được tỉnh đầu tư quy hoạch và xây dựng gồm: Bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 và 3.
Trong năm 2022, Quảng Ninh định hướng tập trung phát triển các dự án đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong, cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm), đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…
Cầu Cửa Lục 1 được thiết kế theo hình cánh chim biển.
Về hạ tầng các khu kinh tế và khu công nghiệp, Quảng Ninh ưu tiên bố trí vốn để xây dựng hạ tầng thiết yếu, các công trình có tính lan tỏa. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh; các dự án có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp quốc tế…
Xác định rõ công tác phát triển đồng bộ hạ tầng, công trình giao thông là nhiệm vụ quan trọng, Quảng Ninh kỳ vọng có thể tạo ra những đột phá mới về phát triển hạ tầng, từ đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, nâng cao vị thế của tỉnh trong nước và khu vực.