Thành phố dự kiến dành khoảng 5.800 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, phục vụ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân Thủ đô. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Hope Residences Phúc Đồng (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm
Phát triển chưa đồng đều
Thông tin về công tác phát triển nhà ở của Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho biết, thành phố đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra về tổng diện tích, khi tính đến hết năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đạt 27,25m2/người (so với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là 26,3m2/người); tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố đạt 224,73 triệu mét vuông, tăng thêm 49,67 triệu mét vuông so với năm 2016. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, góp phần bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Thành phố đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 99,1% (so với mục tiêu 91,2%). Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đạt khoảng 92%.
Tuy nhiên, nếu tính theo các chỉ tiêu mét vuông sàn của từng loại nhà ở thì chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, đạt gần 20,42 triệu mét vuông sàn, vượt hơn 1,14 triệu mét vuông sàn. Nhà ở riêng lẻ cũng tăng nhanh, trong khi với nhà ở xã hội (nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên), thành phố đặt mục tiêu phát triển 6,22 triệu mét vuông nhưng kết quả thực hiện 1,25 triệu mét vuông sàn. Tương tự, với nhà tái định cư, thành phố đặt mục tiêu phát triển 1,2 triệu mét vuông sàn nhưng kết quả thực hiện là 371.000m2 sàn.
Nguyên nhân là chính sách phát triển nhà ở xã hội còn bất cập, thiếu đồng bộ. Đơn cử như nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, trong khi nếu vay thương mại, chi phí xây dựng sẽ rất lớn. Thực tế, so với giai đoạn trước năm 2016, số dự án nhà ở xã hội giảm rất nhiều. Một số dự án đã hoàn thành có vị trí xa trung tâm nên rất khó bán.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, chính sự phát triển không đồng đều, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn thấp, trong khi nhu cầu của đa số người dân là rất lớn, cộng với nguồn cung nhà ở giảm trong 2-3 năm gần đây đã đẩy giá nhà liên tục tăng.
Nhiều khu đô thị mới hình thành đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô. Trong ảnh: Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam
Chủ động phát triển nhà ở
Nhận định về giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội. Thực tế này xuất phát từ tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh; tăng trưởng kinh tế gắn liền với tăng thu nhập làm tăng khả năng chi trả cho nhu cầu nhà ở. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở với yêu cầu cao hơn về chất lượng cũng sẽ tăng.
Để đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở, ngày 29-11-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5019/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, kế hoạch này xác định vị trí, khu vực, diện tích đất phát triển nhà ở, nguồn vốn huy động; đồng thời, làm cơ sở để kiểm soát thị trường bất động sản, phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Theo đó, thành phố đặt chỉ tiêu phát triển 44 triệu mét vuông sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhà ở xã hội 1,25 triệu mét vuông, nhà ở tái định cư 560.000m2; nhà ở thương mại 19,69 triệu mét vuông; nhà ở riêng lẻ 22,5 triệu mét vuông. Thành phố cũng xác định nâng diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 29,5m2 sàn/người; tỷ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.
Về giải pháp, Trưởng phòng Phát triển đô thị Bùi Tiến Thành cho biết, bên cạnh rà soát các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, cấp phép, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch..., thành phố sẽ tập trung rà soát quỹ đất, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phát triển nhà ở. Với các dự án chậm triển khai, thành phố sẽ thu hồi; đồng thời cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở phân bổ phù hợp với từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, thành phố cũng dành nguồn lực hợp lý để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; đồng thời, sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp. Cụ thể về nhu cầu vốn, thành phố dự kiến dành khoảng 5.800 tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, phục vụ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ...
“Thành phố cũng sẽ tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng nhà ở và tỷ lệ nhà chung cư, nhà ở cho thuê đúng mục tiêu kế hoạch; định kỳ hằng năm đánh giá kết quả nhằm bảo đảm phù hợp nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở của thành phố” - ông Luyện Văn Phương nói.
Theo Quyết định số 5019/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt ra chỉ tiêu cụ thể phát triển nhà ở hằng năm. Theo đó, năm 2021, phát triển 5.267.000m2; năm 2022 là 8.419.000m2; năm 2023 là 9.514.000m2; năm 2024 là 9.696.000m2 và năm 2025 là 11.104.000m2 sàn nhà ở.