Cơ chế, chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, gắn trách nhiệm, tạo sự chủ động cho các chủ thể; bám sát cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Công nhân thi công tại dự án Khu phức hợp Sóng Việt. Ảnh minh họa: Xuân Tình - TTXVN
Thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách và các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đã được Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo rà soát tổng thể, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Điều này còn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công; đồng thời, tăng cường phân cấp, gắn trách nhiệm, tạo sự chủ động cho các chủ thể trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Xây dựng) cho biết, một số nội dung hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đã được thể chế trong các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như: Luật số 62/2020/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng 2014; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế cho Nghị định 68/2019/NĐ-CP; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Cuối tháng 8/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành 3 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2021/NĐ-CP để thay thế cho 11 thông tư đang được các chủ thể có liên quan áp dụng việc trong xác định và quản lý chi phí.
Theo ông Biên, đối với việc hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP và Nghị định 37/2015/NĐ-CP, hiện Cục Kinh tế xây dựng đang dự thảo thông tư để thay thế cho 4 thông tư Bộ Xây dựng đã ban hành trong năm 2016 và gửi dự thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành địa phương nhằm sớm hoàn chỉnh, ban hành trong quý I/2022.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều điểm mới, nổi bật liên quan đến quản lý chi phí, hợp đồng xây dựng tại các Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Nghị định số 50/2021/NĐ-CP. Trước hết phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng các quy định tại cả 2 nghị định đã được sửa đổi theo đúng tinh thần các Luật Đầu tư công, Luật đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi… - ông Biên phân tích.
Đáng chú ý là hệ quy chiếu để xác định phạm vi áp dụng sẽ là “nguồn vốn” sử dụng của các dự án đầu tư xây dựng. Cùng đó, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số nội dung của Luật số 62/2020/QH14; đồng thời, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Nhờ đó, phân định rõ về trách nhiệm, nội dung thẩm định, thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư - ông Biên cho hay.
Các quy định mới được điều chỉnh, thay đổi theo hướng tăng thêm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xác định, phê duyệt tổng mức đầu tư và của chủ đầu tư trong việc xác định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu.
Như vậy, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định sự tuân thủ của pháp luật về xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình.
Cùng đó, những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP cũng đã được tháo gỡ. Các quy định mới đã góp phần hạn chế phát sinh thủ tục không cần thiết và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, thực hiện dự án.
Mặt khác, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP cũng tạo sự linh hoạt hơn trong việc lựa chọn phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng. Việc lựa chọn phụ thuộc vào nội dung, mức độ chi tiết về thiết kế công trình, dự án thể hiện trong bước thiết kế cơ sở.
Bên cạnh đó, các nguyên tắc xây dựng, quản lý hệ thống định mức xây dựng, hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình; về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và các chủ thể có liên quan trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống, cung cấp và kiểm soát thông tin... cũng được quy định chi tiết và rõ hơn./.