Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 85%, tỉnh đã và đang chủ động huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, phát triển mạng lưới mở rộng vùng phục vụ cấp nước sạch đô thị, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện để phát triển KT-XH.
Công nhân kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc vận hành máy bơm, đảm bảo cung cấp ổn định nước sạch cho khách hàng. Ảnh: Xuân Hùng
Thời gian qua, việc triển khai các hoạt động đảm bảo cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch đã được các cơ quan, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Các đơn vị cấp nước đã chú trọng đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới phục vụ và cải thiện chất lượng nước cấp; áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ thông tin vào công tác quản lý hệ thống mạng cấp nước; đẩy mạnh xây dựng, khai thác hiệu quả các nhà máy và trạm cấp nước; tăng cường phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Nhờ đó, chất lượng nguồn nước cơ bản được đảm bảo; tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch liên tục giảm theo từng năm; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch tăng bình quân 2-3%/năm.
Hiện, tổng công suất cấp nước tại các đô thị là 134,5 nghìn m3/ngày đêm, công suất khai thác khoảng 83 nghìn m3/ngày đêm, đạt 61,8% công suất thiết kế.
Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch (thị trấn, thành phố) đạt khoảng 71,4%; riêng thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên đạt trên 90%; mức cấp nước toàn tỉnh bình quân đạt 115 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch là 15%.
Tuy nhiên, việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cấp nước đô thị còn hạn chế. Đến nay, thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên), thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) chưa có công trình cấp nước tập trung.
Một số đô thị có công trình cấp nước tập trung nhưng tỷ lệ bao phủ dịch vụ thấp như Đại Đình (Tam Đảo); Bá Hiến, Đạo Đức (Bình Xuyên), Tứ Trưng (Vĩnh Tường); Tam Sơn (Sông Lô), Hợp Hòa (Tam Dương)…
Nguồn nước sử dụng cấp cho đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên chủ yếu là nguồn nước ngầm, có hiện tượng thiếu hụt nguồn nước cấp trong mùa khô, gây áp lực cho việc cấp nước của các đơn vị cấp nước trên địa bàn.
Tại thị trấn Tam Đảo, do sử dụng nguồn nước suối nên còn xảy ra hiện tượng thiếu nước sử dụng cục bộ vào mùa khô, ảnh hưởng đến phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức về công tác cấp nước sinh hoạt; nhận thức của một bộ phận người dân về sử dụng nước sạch còn chưa đầy đủ, không sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước sạch tập trung.
Một số dự án cấp nước đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhưng tiến độ chậm triển khai, nguy cơ không đảm bảo tiến độ.
Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phát triển hệ thống cấp nước đô thị một cách bền vững và ổn định, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và giảm thiểu thất thoát, thất thu nước, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng, dự báo nhu cầu và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 để tích hợp vào quy hoạch, làm cơ sở thu hút đầu tư xây dựng các công trình cấp nước theo quy hoạch; xây dựng danh mục các dự án cấp nước cho các thị trấn, đô thị loại V để kêu gọi, thu hút đầu tư; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra chất lượng nước tại các công trình cấp nước theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với các đơn vị thực hiện cấp nước sạch đô thị, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước trên địa bàn phục vụ; triển khai các dự án cấp nước được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.
Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc hiện quản lý hệ thống cấp nước tại các địa bàn Vĩnh Yên, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên và Lập Thạch với 5 nhà máy, công suất khai thác trên 32 nghìn m3/ngày đêm.
Ông Trần Duy Thập, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về đảm bảo cấp nước ổn định cho các đô thị, công ty thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước cho từng đô thị, đề xuất mở rộng nguồn, vùng phục vụ.
Cải tạo mạng lưới đường ống cũ, mở rộng mạng lưới ống truyền dẫn, phân phối nước ra các khu vực chưa được cấp nước, khảo sát, lắp đặt đường ống cấp nước cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch tại địa bàn cấp nước.
Đồng thời, triển khai các giải pháp đối phó với các sự cố bất thường và các nguy cơ, rủi ro có thể xảy trong toàn bộ quá trình sản xuất, cung cấp nước sạch từ nguồn đến khách hàng sử dụng nước.