Tiểu dự án thành phố Nha Trang góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía bắc thành phố; cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ...
Một đơn vị chuẩn bị phương tiện để triển khai xây dựng kè và đường giao thông dọc bờ sông Cái Nha Trang trong khuôn khổ dự án. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)
Ngày 7/11, tại thành phố Nha Trang, Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa đã khởi công xây dựng các hạng mục trọng điểm thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án thành phố Nha Trang.
Đây là dự án được triển khai tại thành phố duyên hải của Việt Nam, gồm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), được Chính phủ Việt Nam ký kết với Ngân hàng Thế giới để tài trợ nguồn vốn vay, thực hiện kể từ năm 2017.
Riêng tổng mức đầu tư cho tiểu dự án Nha Trang là 72 triệu USD, trong đó có 60,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và 11,4 triệu USD từ nguồn đối ứng của Việt Nam được triển khai thực hiện các nội dung kể từ năm 2019 bao gồm 4 hợp phần: mở rộng hạ tầng vệ sinh, cải thiện kết nối đô thị, bồi thường và giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thực hiện các cải cách thể chế.
Phát biểu tại lễ khởi công, bà Crolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh 18 năm qua, Ngân hàng Thế giới đã luôn đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa, nhất là tại thành phố Nha Trang.
Sự hỗ trợ này bao gồm nhiều dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào chương trình cung cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường theo hướng bền vững.
Các hạng mục công trình của dự án hiện nay, khi được xây dựng hoàn thiện sẽ góp phần cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho khoảng 400.000 người dân thành phố Nha Trang.
Các hạng mục được khởi công xây dựng lần này bao gồm: xây dựng nhà máy nước thải phía Bắc thành phố Nha Trang với công suất xử lý nước thải đạt 15.000m3/ngày đêm, có giá trị hợp đồng thi công gần 303 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường dài 2,3km và kè dài 1,9km dọc theo sông Cái có giá trị hợp đồng thi công 271 tỷ đồng; xây dựng đường Chử Đồng Tử dài 368m và kè bảo vệ bờ bắc sông Cái dài hơn 422m, có giá trị hợp đồng thi công 36 tỷ đồng; xây dựng trạm bơm nước mưa có công suất 10m3/giây, trị giá thi công trên 100 tỷ đồng. Các công trình này có thời gian thực hiện hợp đồng thi công từ 16-18 tháng.
Tiểu dự án thành phố Nha Trang có mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía bắc thành phố; cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở hai bên bờ sông Cái đoạn qua thành phố Nha Trang, kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông…
Đến nay, dự án đã có 5 gói thầu xây lắp (ngoài các hạng mục nói trên) đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao và đưa vào sử dụng.
Trước đó, trong giai đoạn 2006-2014, Nha Trang cũng là một trong 3 thành phố của Việt Nam được chọn để triển khai Dự án vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải (bên cạnh thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới, kết hợp vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Trong số đó, tiểu dự án thành phố Nha Trang có mức đầu tư trên 93 triệu USD, sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả tích cực, tăng cường khả năng bảo đảm vệ sinh, môi trường đô thị./.