Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Chiều 24/10, tại tỉnh Quảng Ninh diễn ra lễ khởi công 4 dự án là Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại thành phố Cẩm Phả; Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) tại thành phố Móng Cái; và Sân golf Đông Triều tại thị xã Đông Triều.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII) tại Văn bản số 1409/TTg-CN ngày 17/10/2020.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được đầu tư tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, với tổng mức đầu tư dự kiến 47.480 tỷ đồng do Liên danh PV Power-Colavi-Tokyo Gas-Marubeni làm chủ đầu tư.
Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc. Quy mô đầu tư xây dựng gồm: 1 Nhà máy điện khí LNG công suất 1.500 MW; 1 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500 DWT; 2 bồn chứa LNG công suất 100.000 m3/bồn cùng hệ thống tái hóa khí; kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3-3,5km; đấu nối nhà máy với hệ thống lưới điện quốc gia bằng tuyến đường dây 500 kV xây dựng mới dài khoảng 30 km từ nhà máy đến trạm 500 kV Quảng Ninh tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long; nguồn nhiên liệu chính của nhà máy là khí LNG nhập khẩu từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như Australia, Qatar, Algeria, Nga, Mỹ... với sản lượng dự kiến 1,1 triệu tấn/năm.
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động khai thác trong quý III/2027. Khi hoàn thành, dự án bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long, được triển khai trên diện tích hơn 4.100ha với tổng mức đầu tư dự kiến 232.369 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn VinGroup-Công ty cổ phần Vinhome làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 529/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.
Thiết bị máy móc công trình tại lễ khởi công dự án Hạ Long Xanh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Dự án được triển khai trên diện tích đất 4.109,4ha tại thành phố Hạ Long khoảng 923,64 ha trên địa bàn các phường: Hà Khẩu, Đại Yên; tại thị xã Quảng Yên khoảng 3.186 ha trên địa bàn các phường Tân An, Hà An, Hoàng Tân, Liên Hòa.
Dự án được đánh giá là một trong những dự án phức hợp mang bản sắc đô thị ven biển gắn với du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á. Dự án hướng đến trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa-du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, với đầy đủ các hạng mục đáp ứng nhu cầu an cư, làm việc, học tập và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, Hạ Long Xanh còn được quy hoạch trở thành khu đô thị phức hợp đa chức năng với các khu nhà ở thấp tầng, tòa căn hộ, khu văn phòng, khu thương mại dịch vụ, trường học, bệnh viện... khu resort, khách sạn, kết hợp với công viên vui chơi giải trí và sân golf; trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế...
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi hoàn thành hằng năm dự án sẽ đóng góp thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 7.251 tỷ đồng/năm; trong đó, khoảng 3.486 tỷ đồng/năm tiền thuế giá trị gia tăng và khoảng 3.765 tỷ đồng/năm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân trong vùng, tạo diện mạo đô thị mới văn minh hiện đại cho tỉnh Quảng Ninh và vùng lân cận.
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) được đầu tư tại xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái với tổng vốn đầu tư 2.248,50 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư.
Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh thuộc cảng biển Quảng Ninh nằm trong nhóm cảng biển số 1, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, cảng Vạn Ninh phục vụ chủ yếu nhu cầu hàng hóa thông qua thành phố Móng Cái, phát triển kinh tế-xã hội liên vùng và cả nước; có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến cảng khách và các bến cho các phương tiện thủy nội địa. Bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Theo Thứ trưởng, trong năm nay và chậm nhất là đầu năm tới cũng sẽ có các bến cảng khác như Lạch Huyện với các bến 3, 4, 5, 6 sẽ được hình thành, tạo thành nhóm cảng biển số một, mà nòng cốt chủ yếu là cảng biển Quảng Ninh và cảng biển Hải Phòng sẽ là cửa ngõ, đầu mối của tuyến vận tải biển có vai trò quan trọng trong xuất, nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc.
Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được triển khai sẽ góp phần đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Từ đó thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh Quảng Ninh, khớp nối hợp lý hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Bên cạnh đó, công trình này cũng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; góp phần chỉnh trang đô thị, đóng góp ngân sách cho địa phương từ nguồn đầu tư ngoài ngân sách, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp, nhưng trường hợp này có thể coi là một hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đầu tư tuyến đường kết nối ra cảng-Dự án Đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh với tổng mức đầu tư 521 tỷ đồng, chiều dài 9,43km. Còn doanh nghiệp đầu tư Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) gồm phần bến và kho bãi.
Dự kiến, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động sau 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.
Khởi công sân golf Đông Triều. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Tại Đông Triều, dự án Sân golf Đông Triều được khởi công tại xã An Sinh, có quy mô 27 lỗ đạt đẳng cấp quốc tế, do Công ty cổ phần sân golf Silk Path làm chủ đầu tư.
Sân golf Đông Triều có tổng vốn đầu tư hơn 1.277 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu là 304 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng mức đầu tư; vốn vay và huy động hợp pháp là 973 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức đầu tư. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sân golf được quy hoạch trên diện tích 130ha, phục vụ khoảng 800 khách/ngày; trong đó, diện tích quy hoạch sân golf rộng 128,72ha, còn lại là hạ tầng giao thông.
Sân golf sẽ có các công trình lưu trú thấp tầng, khu khách sạn cao tầng, sân tập golf, hạ tầng cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi giải trí, không gian nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.
Dự kiến, dự án sân golf Đông Triều sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý 3/2024.
Đây là chuỗi sự kiện, thể hiện khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đồng thời là một trong nhiều khởi động tích cực của tỉnh Quảng Ninh khẳng định nỗ lực của tỉnh trong thực hiện "mục tiêu kép," đóng góp vào tăng trưởng kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần chào mừng kỷ niệm 58 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2021)./.
Các dự án được đồng loạt khởi công, khởi động thể hiện khát vọng vươn lên của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đây đồng thời là một trong nhiều khởi động tích cực của tỉnh khẳng định nỗ lực của tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hướng tới các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.