Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội thảo trực tuyến về định hướng chiến lược phát triển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội thảo có ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành- Trưởng Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các thanh viên thuộc Liên doanh tư vấn, các chuyên gia phản biện.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành- Trưởng Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh cho rằng: Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Kiên Giang. Quy hoạch vừa có nhiệm vụ cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đồng thời, quy hoạch tỉnh cũng là căn cứ khoa học và là công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải hoàn thành được khung định hướng chiến lược phát triển; xác định quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của tỉnh Kiên Giang đến năm 2050; các trụ cột chính để làm nền tảng, tạo động lực cho phát triển của tỉnh trong 10 năm và 30 năm tới.
"Tôi tin tưởng rằng bằng các cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nhà khoa học cùng ý kiến phản biện, góp ý tâm huyết của quý vị đại biểu sẽ giúp hình thành rõ định hướng phát triển tỉnh Kiên Giang đến năm 2050, làm cơ sở để quyết định lựa chọn phương án tốt nhất cho Kiên Giang trong giai đoạn tới"- Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành nói.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giáo sư- Tiến sĩ Võ Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đại diện cho Liên doanh tư vấn đã trình bày định hướng chiến lược phát triển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua phân tích, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn về điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015-2020, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 tầm nhìn làm cơ sở đề xuất Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh xem xét, lựa chọn.
Tầm nhìn thứ nhất: Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ, là địa phương tiên phong cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ. Điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ và là một trung tâm du lịch biển, dịch vụ hàng đầu, kết nối vùng biển Đông Nam Á.
Tầm nhìn thứ hai: Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm thương mại dịch vụ biển hàng đầu ở khu vực Tây Nam Bộ, là điểm đến hấp cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và hậu cần hàng hoá, trong đó có Phú Quốc cực tăng trưởng chính của tỉnh, kết nối vùng biển Đông Nam Á.
Tâm nhìn thứ ba: Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ, là địa phương tiên phong cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ. Điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là một trung tâm du lịch biển và dịch vụ hàng đầu. Riêng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, thương mại và hậu cần hàng hoá quốc tế, kết nối vùng biển Đông Nam Á.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, phản biện về Kỷ yếu định hướng chiến lược phát triển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của đơn vị tư vấn. PGS- Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, ĐH Cần Thơ cho rằng, Kỷ yếu còn thiếu nhất quán về mốc thời gian xây dựng các giai đoạn phát triển chiến lược; thiếu các thông tin quan trọng trong xây dựng tầm nhìn và định hướng phát triển của tỉnh; thiếu phân tích lượng hoá và chưa rõ về xây dựng trụ cột phát triển theo tầm nhìn chiến lược.
Về định hướng phát triển chiến lược phát triển du lịch Kiên Giang, PGS-Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng: Cần có những luận giải mang tính khoa học đối với việc xác định các "Trụ cột" là sản phẩm- thị trường du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ sở hạ tầng đối với định hướng chiến lược phát triển du lịch Kiên Giang. "Ngoài những định hướng phát triển các trụ cột trên, cần xem xét bổ sung một số định hướng chiến lược phát triển du lịch gồm: Định hướng về hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; định hướng về quản lý chất lượng dịch vụ; định hướng về liên kết vùng và ngoài vùng cũng như liên kết khu vực"- PGS-Tiến sĩ Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Huỳnh cho rằng: Điều kiện tự nhiên của tỉnh Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ, do đó đơn vị tư vấn cần làm rõ thêm điểm mạnh cốt lỗi này của tỉnh, có cách tiếp cận mới về nguồn nhân lực. Ngoài ra, trong định hướng quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế không lấy Phú Quốc là một điểm trung tâm đơn lẻ mà phải hình thành đô thị vành đai gồm: Phú Quốc, Hà Tiên và Rạch Giá. Đồng thời, quy hoạch không gian biển, đảo để Vịnh Rạch Giá trở thành trung tâm độc đáo và là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng.