Ngày 11/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội”. Hội thảo đã nhận được ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Minh Anh
Theo Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, đến nay, các đồ án quy hoạch được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố, phát triển KT-XH Thủ đô. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Về cơ bản, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Đô thị Hà Nội từng bước được hiện đại hóa và vị thế của Thủ đô ngày được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Cũng theo Giám đốc Sở QHKT, một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, là chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chưa chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, quy mô việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn, việc tạo lập khu vực “Hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn Thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, ảnh hưởng đến chức năng và trò của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là khu vực hành lang hai bên sông Hồng chưa phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch để điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao; tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…
Góp ý vào các bản báo cáo tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đề xuất cần rà soát, đánh giá công việc cụ thể đối với những việc đã làm trong 10 năm qua và có dự báo chiến lược. Theo ông Chính, giải pháp đối với Hà Nội là ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, Thành phố phải có lựa chọn tư vấn nước ngoài hoặc có một cuộc thi về xây dựng ý tưởng để làm quy hoạch Hà Nội. Trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần làm rõ mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến, hòa bình, sáng tạo, anh hùng.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đây là các vấn đề lớn, nên sau Hội thảo khung hôm nay, TP Hà Nội cần giao cho các đơn vị có liên quan tổ chức các hội thảo riêng để làm rõ cụ thể từng vấn đề cụ thể trong việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Hơn nữa, đối với các báo cáo, cần nêu rõ việc cần thiết phải tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung. Điều chỉnh định kỳ cần phải gắn với các điều chỉnh cục bộ. Vị chuyên gia này cho rằng, việc TP triển khai thực hiện song song hai nhiệm vụ là vừa tổ chức lập quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa Điều chỉnh quy hoạch chung. Đặc biệt, trong lần điều chỉnh quy hoạch lần này cần chú ý đến việc điều chỉnh gia tăng dân số; quy hoạch phòng chống lũ; nâng cao chất lượng chất lượng quy hoạch; có lộ trình huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn thể Nhân dân.
Tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Lưu Quang Huy cho biết, định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; bảo đảm tính kế thừa, không ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư đang triển khai. Một số định hướng chính như xác định cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, nguồn lực đầu tư phát triển và đặc biệt là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó là nghiên cứu mô hình cấu trúc đô thị để đáp ứng khả năng phát triển mô hình “Thành phố trong Thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và một số “Thị xã mới trong Thành phố".
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp trực tiếp cũng như góp ý bằng văn bản của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hội nghề nghiệp. Đồng thời cho biết, đây là hội thảo cấp TP mang tính chất khung, khởi động, sau này sẽ có thêm nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu với mong muốn nhận được tư vấn, góp ý cho việc triển khai Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp thu, hoàn chỉnh, báo cáo các cấp; triển khai thực hiện việc tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Đồ chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo quy định.
Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp tiếp tục tham góp, phản biện, tạo điều kiện để việc Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đạt được chất lượng, hiệu quả, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển Thủ đô.