Các nhà FDI đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, đang nhộn nhịp trở lại. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ghi nhận tính đến 20/09 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 8 tháng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản vẫn duy trì vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD.
Theo Tiến sỹ Đinh Thế Hiển, với xu thế phát triển của xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ giúp các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông lớn, hệ thống cảng biển và tiến trình đô thị hóa. Những yếu tố này sẽ là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản trong trung hạn.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Savills bổ sung, Việt Nam đang tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao; trong đó bao gồm các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu, kho lạnh công nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu đối với nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đang giữ ở mức lạc quan.
Mặc dù quý 3 vẫn có những trầm lắng so với thời điểm quý 2 những sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản công nghiệp vẫn rất lớn. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng của thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đáng chú ý, thị trường công nghiệp tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp giá trị thấp, sử dụng lao động kỹ năng thấp và đòi hỏi số lượng nhân công lớn sang những ngành công nghiệp có giá trị cao với lao động có kỹ năng và trình độ cao hơn.
Thời gian trước, Việt Nam thường tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giá trị thấp như dệt may hoặc đồ nội thất. Song, với các định hướng mới của Chính phủ, thị trường đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc loại hình bất động sản công nghiệp mới.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp Việt Nam nhận định, việc chuyển đổi sang thu hút lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường bất động sản công nghiêp. Trên thực tế, khi chi phí thuê bất động sản tăng cao, số lượng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất với tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ giảm xuống.
Những công xưởng sản xuất da giày và thời trang lớn với quy mô 10.000 công nhân sẽ dần di chuyển tới những khu vực xa hơn - nơi có chi phí thấp hơn; thậm chí, có thể là các nước lân cận như Campuchia hay Myanmar. Có thể thấy, các nhà phát triển hiện nay đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút những nhà sản xuất giá trị cao, đơn cử như lĩnh vực linh kiện điện tử hoặc ô tô từ Châu Âu và Mỹ, ông John Campbell dẫn chứng.
Ở tầm nhìn dài hạn, để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng lao động của các dự án có giá trị cao, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, toán học và khoa học. Việc Chính phủ Việt Nam thông qua đề xuất lập một kế hoạch phát triển kỹ năng quốc gia như một phần của Khuyến nghị Chiến lược FDI từ 2020 đến 2030. Theo ông Jonhn Campbell, đây cũng chính là một trong những yếu tố trọng tâm giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)
Mặt khác, Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) cũng hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích lâu dài cho thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ cần nhiều thời gian để Việt Nam hưởng lợi hoàn toàn; thậm chí có thể lên tới 50 năm để những lợi ích về chuyển giao công nghệ cũng như kiến thức được nhìn nhận rõ nét.
Chuyển giao công nghệ sẽ mang tới sự thay đổi về mặt quy trình, thiết bị cũng như máy móc chuyên dụng. Đồng thời, việc chuyển giao kiến thức sẽ hỗ trợ trong việc phát triển kỹ năng của lao động Việt Nam. Khi mà số lượng lao động có tay nghề cao và công nghệ phát triển, thị trường Việt Nam sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhà sản xuất các nhóm ngành giá trị cao.
Một ví dụ điển hình trong nỗ lực thu hút các ngành công nghiệp giá trị cao là tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong khoảng 10-20 năm trở lại đây, miền Bắc đã bắt đầu đón nhận những sóng đầu tư khá lớn với các tập đoàn điện tử như Samsung, LG hay các nhà sản xuất xe hơi như Honda và gần đây là Vinfast. Sự hiện hiện của các tập đoàn quốc tế lớn cũng đồng thời là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất động sản bán lẻ lân cận bởi các nhà cung cấp phụ tùng và nguyên liệu thường có nhu cầu thuê nhà xưởng với diện tích khoảng 1.000-2.000m2 gần những khu sản xuất lớn này.
Hiện Việt Nam đã ghi nhận các dự án bất động sản công nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách thuê doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang ngày càng lớn tại Việt Nam và các trung tâm này không nằm cách xa những đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bởi doanh nghiệp cần lựa chọn vị trí đặt trung tâm dữ liệu có nguồn điện ổn định, cấu trúc kỹ thuật rõ ràng, có hệ thống và khả năng bảo vệ trước tác động bên ngoài... Cùng đó, yếu tố về kết nối cũng rất quan trọng để đảm bảo tất cả hệ thống liên quan đến việc cung cấp dịch vụ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý hoặc thời tiết bên ngoài, gây gián đoạn dịch vụ.
Theo ông Matthew Powell, trong vòng vài năm tới, thị trường sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình bất động sản này. Nhất là hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế đang tích cực tìm kiếm mặt bằng, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Không chỉ tại Việt Nam, đối với thị trường châu Á-Thái Bình Dương, loại hình này cũng đã phát triển rất lớn với quy mô vùng, quốc gia, tỉnh thành hay thành phố./.