Trên lộ trình hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025, thành phố Hà Giang đang nỗ lực xây dựng hình ảnh đô thị xanh, sạch, đẹp. Một trong những quyết sách quan trọng thực hiện điều đó chính là thay thế, trồng mới cây xanh đường phố.
Cắt tỉa cây xanh đảm bảo mỹ quan đô thị.
Thành phố Hà Giang hiện có 97 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 70 km. Trên đường phố nội thành và khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học có trên 7.000 cây xanh các loại. Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, hệ thống cây xanh còn nhiều bất cập, như: Chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường, cảnh quan. Mật độ cây xanh đô thị thấp, mới đạt mức trung bình 8 m2/người so với tiêu chí đô thị loại II là 12 m2/người. Hơn nữa, việc trồng cây dọc hai bên của một số tuyến đường (cũ) mang tính tự phát, cây xanh đa chủng loại, chưa phù hợp với kích thước vỉa hè. Hầu hết, các tuyến phố nội thành có chiều rộng vỉa hè hẹp từ 1,5 – 3,75 m, rất ít tuyến phố có vỉa hè rộng trên 5 m. Trong khí đó, nhiều hạng mục hạ tầng khác cùng định vị trên hè phố như hệ thống cấp điện; cấp, thoát nước; biển báo… làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Mặt khác, kỹ thuật trồng cây xanh chưa theo quy định dẫn đến thiếu mỹ quan ở nhiều tuyến phố, ví như: Trồng cây gần hệ thống thoát nước, dưới đường dây điện hoặc trên các tuyến phố, tỷ lệ cây nằm trong danh mục cấm trồng và hạn chế trồng trong đô thị như: Cây Sữa, Vông, Bàng, Xoan. Nhiều cây xanh có tính hướng quang mạnh, qua quá trình phát triển, thân cây cong, vẹo, rễ nổi, tuổi thọ thấp, tán lá xấu, mùi nồng... gây mất an toàn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, do ý thức hạn chế của một số hộ dân nên nhiều gốc cây bị biến dạng, bong vỏ do thân cây bị găm đinh, đóng biển quảng cáo, treo dây điện…
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, tháng 7 vừa qua, UBND thành phố Hà Giang đã ban hành Đề án thay thế, trồng mới cây xanh đường phố, giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, lập quy hoạch, cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh theo hướng đồng bộ, bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo cảnh quan đặc trưng của đô thị miền núi. Cụ thể: Trồng mới và thay thế 5.000 cây xanh tại khu Công viên Cây xanh, đường dạo bộ hai bờ sông Lô, sông Miện và hệ thống đường nội thị. Trồng cây xanh bổ sung tại các điểm còn thiếu, thay thế 100% cây xanh có thân cong, vẹo, rễ nổi, tuổi thọ thấp, tán lá xấu, mùi nồng bằng các loại cây có dáng, tán, hoa đẹp, tuổi thọ cao, rễ cọc, có khả năng sinh trưởng, phát triển phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng và chủng loại cây xanh đô thị, như: Cây có hoa đẹp (hoa Ban, Móng bò tím, Giáng hương); cây có tán lá xanh quanh năm (Sao đen, Bàng Đài Loan, Ngọc Lan), cây bản địa (Gạo, Kim giao, Sồi)… Cùng với đó, thành phố Hà Giang sẽ quy hoạch chủng loại, số lượng cây trồng đối với từng tuyến đường phố trên cơ sở hệ thống cây xanh hiện có. Mặt khác, quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng vườn ươm đạt chuẩn đảm bảo cung cấp giống cây lâu dài, ổn định cho phát triển cây xanh đô thị. Ước tổng kinh phí thực hiện đề án trên 21,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 60% tổng giá trị, số còn lại được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa và kinh phí bán thanh lý gỗ cây xanh đường phố.
Đề án trên đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng làm tăng mật độ cây xanh đô thị, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, được kỳ vọng tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh, tươi mới với những điểm nhấn quan trọng, trong đó, hình thành các đường cây, hoa đặc trưng dọc hai bờ sông Lô, sông Miện, Công viên Cây xanh và đường Hữu Nghị…