Họp báo cung cấp thông tin dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Ảnh VGP/Băng Tâm
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết thông tin trên tại buổi họp báo định kỳ vào chiều 18/9.
Ông Phạm Đức Hải cho biết đây cũng là thông tin mới nhất của UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch, công văn 3085 tăng cường công tác phòng dịch tại các công trình xây dựng. Theo đó, UBND TPHCM giao chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, chủ tịch UBND các quận, huyện, thủ trưởng các sở, ngành, BQL các khu đô thị, các KCX-KCN…, căn cứ tình hình an toàn phòng dịch tại địa bàn, lĩnh vực được giao quản lý chủ động xem xét quyết định và chịu trách nhiệm cho chủ đầu tư xây dựng theo thẩm quyền trên cơ sở tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng, hướng dẫn phòng chống dịch tại công trình theo quy định của UBND TPHCM.
UBND TP cũng giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động các công trình xây dựng và tuân thủ bộ tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng theo quy định.
Liên quan đến công tác tài chính của các bệnh viện dã chiến quận, huyện
Trước những băn khoăn về tư cách pháp nhân của các Bệnh viện dã chiến và có thể ảnh hưởng đến quy định thanh toán khám chữa bệnh chi trả bảo hiểm y tế, ông Phạm Đức Hải cho biết, khi thành lập Bệnh viện dã chiến, trong quyết định của UBND TPHCM đã giao cho TP. Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện theo luật ngân sách chi trả kinh phí phòng chống dịch. Trong đó nêu rõ, TP. Thủ Đức, các quận, huyện phân công một bệnh viện phụ trách bệnh viện dã chiến, bao gồm phụ trách công tác tài chính. Do vậy các bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện được sử dụng dự toán ngân sách của bệnh viện phụ trách trong mua trang thiết bị vật tư y tế ngoài nguồn Sở Y tế cấp cũng như thanh toán chi phí phòng dịch.
Ông Hải nêu ví dụ, UBND huyện Củ Chi giao cho Bệnh viện huyện Củ Chi chịu trách nhiệm công tác tài chính của Bệnh viện dã chiến Củ Chi, và sử dụng tài khoản của Bệnh viện Củ Chi để mua sắm trang thiết bị y tế.
Chế độ cho trẻ em là F0 và trẻ có cha mẹ qua đời vì COVID-19
Đại diện sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM thông tin, trẻ em là F0 thuộc đối tượng trợ cấp theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân TPHCM cũng như Nghị quyết 68 của Chính phủ dành cho người nhiễm COVID-19.
Với trẻ em có cha mẹ qua đời vì COVID-19, các em được trợ cấp theo Luật Trẻ em năm 2016. Hiện nay TP. Thủ Đức và các quận, huyện đang vận động nhiều nguồn để chăm lo các em. Việc học tập sau này của các em cũng được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, trạm kiểm soát
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, đến ngày 16/9 lực lượng tại các chốt, trạm phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, trạm kiểm soát. Trong số đó, theo xác minh của Công an TP, có 33 F0 đã khỏi bệnh, 26 đang cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà. Trong số đó có 50/102 F0 có giấy đi đường, hiện Công an TP đã thu hồi giấy. Còn 40 F0 không có giấy là những người đi tiêm chủng, hoặc đang trên đường đi cách ly, hoặc nhân viên y tế đi làm nhiệm vụ…
Đối với địa bàn quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ đang thí điểm nới lỏng giãn cách, theo thông báo 3660, Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo giao công an TP. Thủ Đức và công an các quận, huyện phối hợp tham mưu cho UBND địa phương cùng cấp xây dựng kế hoạch mở lại một số hoạt động mà TP cho phép. Chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án bố trí lại các chốt kiểm soát phù hợp. Đồng thời công an TP chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra đảm bảo quy định an toàn phòng dịch với người lao động và nhân viên giao hàng của các cơ sở kinh doanh. Theo đó, người lao động của các cơ sở mở lại phải thực hiện xét nghiệm 5 ngày/lần, nhân viên giao hàng xét nghiệm 2 ngày/lần.
Không thu bất kỳ chi phí nào khi mai táng người tử vong vì COVID-19
Về thông tin một số đối tượng liên hệ với thân nhân bệnh nhân tử vong vì COVID-19 để thu chi phí mang táng, đại diện Bộ Tư lệnh TPHCM khẳng định lực lượng quân sự Thành phố được giao nhiệm vụ này và không có thu bất kỳ chi phí nào từ thân nhân người tử vong. Do vậy người dân cần cảnh giác trước lời đề nghị của một số người tự xưng là nhân viên cơ sở mai táng gợi ý với người có người thân qua đời nộp tiền để họ phối hợp với quân sự đưa tro cốt về sớm nhất.
Đại diện Bộ Tư lệnh TPHCM khẳng định, mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia vào nhiệm vụ này các định đây là việc làm cao đẹp, có nghĩa cử với người đã khuất và thân nhân của họ. Xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, những người lính đã và đang thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy trình. Vừa qua, có thời điểm số người tử vong cao, việc đưa đi xử lý hỏa táng và bán giao tro cốt có thời điểm còn chậm.
Số liệu ca tử vong từ giữa tháng 8 đến nay đã đi xuống, và quy trình này đã nhanh hơn. Các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này với trách nhiệm như tiếp nhận như người thân của của mình, cố gắng đưa tro cốt người tử vong vì COVID-19 về gia đình sớm nhất, không có chuyện nhận tiền, ngay cả tiền cảm ơn của thân nhân.
Tăng thêm điểm bán hàng
Ông Phạm Đức Hải cho biết, TPHCM có 3.115 điểm bán hàng đang hoạt động, tăng 114 điểm so với ngày 23/8. TPHCM thực hiện chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới.
Về tiêu chí xét duyệt hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn đợt 3, ông Phạm Đức Hải cho biết, TPHCM đang khẩn trương triển khai các giải pháp để hoàn chỉnh kế hoạch hỗ trợ đợt 3.
Trong đó, TP hướng dẫn UBND các quận huyện và UBND TP. Thủ Đức lập danh sách, lập tổ công tác để rà soát danh sách, chỉ đạo các phường, xã, thị trấn lập hội đồng xét duyệt danh sách trình UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện phê duyệt. Dự kiến 16h ngày 20/9, TP sẽ họp báo công bố việc hỗ trợ đợt 3.
Về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải thông tin, tính đến 18 giờ ngày 17/9, TPHCM ghi nhận 327.321 trường hợp dương tính, đang điều trị 41.152 bệnh nhân. Trong ngày 17/9 có 2.270 bệnh nhân xuất viện, 165 trường hợp tử vong.
Như vậy 3 ngày gần đây, tỉ lệ tử vong giảm và đi ngang. Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tỉ lệ tử vong giảm phản ánh hiệu quả quá trình điều trị kéo dài. Số liệu cho thấy số bệnh nhân nặng ở các tầng điều trị đã giảm mạnh so với trước đây. Ông Châu tin tưởng thời gian tới số ca bệnh nặng sẽ giảm đáng kể.
Ông Phạm Đức Hải cho rằng những ngày tới Sở Y tế TPHCM sẽ có phân tích số liệu từng giai đoạn để đánh giá xu hướng giảm tỉ lệ tử vong.
Về công tác tiêm vaccine, ngày 17/9, TPHCM thực hiện thêm 103.689 mũi vaccine so với ngày 16/9 nâng tổng số mũi tiêm lũy kế lên 8.667.552. Trong quy trình tiêm chủng của TP, việc thống kê, nhập liệu không giao cho cán bộ y tế thực hiện để tránh dồn áp lực vào nhân lực y tế.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, trước thời điểm thực hiện “3 tại chỗ”, công công nhân được tiêm tại Khu công nghiệp hoặc tại các doanh nghiệp. Sau này việc tiêm mũi 2 phân về địa phương. Công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” tiêm mũi 2 tại DN. HCDC đã cấp phát vaccine cho phù hợp với lượng công nhân phân bổ về địa phương. Do vậy các doanh nghiệp chủ động liên hệ với địa phương để hoàn tất tiêm mũi 2 cho công nhân đủ thời gian sau mũi 1.
Về công tác xét nghiệm, TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện theo công văn 3074, tại các vùng đỏ, vùng cam sẽ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình. Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình với tần suất 5-7 ngày/lần.
Trường hợp người dân tự lấy mẫu test nhanh và kết quả dương tính thì lưu lại mẫu test và nộp cho y tế, kết quả được ghi nhận như cán bộ y tế lấy mẫu.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, TPHCM đang tiến đến lộ trình tiêm phủ mũi 2. Khi đạt mục tiêu bao phủ vaccine thì TP tập trung quản lý F0 xuất hiện tại cộng đồng, tăng cường hệ thống điều trị thấp tầng, chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân điều trị tại nhà, những trường hợp diễn biến nặng sẽ chuyển bệnh viện tầng 2-3 để giảm tử vong.