Cùng với các biện pháp ứng phó hiệu quả với mưa bão, lũ lụt, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án để giúp người dân xây dựng các mô hình nhà tránh lũ. Và chính những mô hình nhà tránh lũ này đã phát huy tác dụng tích cực trong công tác phòng, chống lụt bão hằng năm, giúp người dân yên tâm hơn khi mùa mưa bão đến.
Mô hình nhà tránh lũ cộng đồng tại huyện Triệu Phong - Ảnh: T.Q
Chỉ cho chúng tôi thấy dấu bùn cao hơn 2 m do nước lũ để lại trên tường nhà cũ, anh Hoàng Thanh Việt ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng cho biết, những năm trước đây gia đình anh luôn nơm nớp lo âu mỗi khi mùa mưa lũ về bởi căn nhà mà gia đình anh đang ở đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững (Thành phố Hồ Chí Minh) với số tiền 45 triệu đồng cộng với số tiền tích góp nhiều năm đã giúp gia đình anh xây dựng được ngôi nhà kiên cố.
“Trước đây, mỗi lần lũ lụt đến là phải đưa vợ con đi sơ tán. Rồi nước ngâm lâu ngày làm các vật dụng trong nhà bị hư hỏng. Bây giờ được hỗ trợ ngôi nhà tránh lũ này vợ chồng tôi không còn phải lo lắng do lụt bão nữa. Căn nhà được xây móng cao, có gác lững, trần nhà được đổ bê tông chắc chắn nên ngoài việc làm nơi tránh trú của các thành viên trong gia đình còn là nơi đến tạm trú của những nhà hàng xóm xung quanh”, anh Việt nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phong Nguyễn Khánh Tặng, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, đến nay trên địa bàn xã đã xây dựng được 3 ngôi nhà tránh lũ cộng đồng tại các thôn Văn Trị, Văn Quỹ và Hà Lỗ. Trong các đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, cùng với các trường học cao tầng, trụ sở UBND xã, các ngôi nhà tránh lũ cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực với hơn 1.000 lượt người lên tránh trú. Trước mùa mưa bão năm 2021, xã Hải Phong đang được Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững hỗ trợ xây dựng 8 ngôi nhà an toàn tránh lũ cho các hộ nghèo, cận nghèo. Theo ông Tặng, mô hình này rất tốt đối với những địa điểm có ít nhà cao tầng, xa các điểm sơ tán tập trung. Lúc này nhà tránh lũ được xem là nhưng điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ.
“Qua các đợt mưa lũ lớn có thể thấy mô hình nhà tránh lũ là an toàn và hiệu quả, không chỉ cần cho các hộ nghèo mà ngay cả các hộ gia đình chưa có điều kiện xây nhà kiên cố vượt lũ. Với đặc điểm địa bàn rộng, dân số đông, lại nằm ở vùng thấp trũng nên thời gian tới địa phương rất cần sự hỗ trợ của cấp trên để tiếp tục xây dựng thêm các mô hình nhà tránh lũ như thế này nhằm giúp người dân giảm thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Tặng đề xuất.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, do nằm ở vùng thấp trũng, lại là hạ du của các con sông Ô Lâu, Ô Giang, Nhùng, Thác Ma, Vĩnh Định… nên hằng năm vào mùa mưa lũ có đến 90% số hộ bị ngập nước. Đặc biệt, trong các đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua, mặc dù chịu thiệt hại khá nặng nề nhưng việc đảm bảo an toàn tính mạng con người đã được huyện Hải Lăng thực hiện khá hiệu quả, trong đó có sự góp phần không nhỏ của các mô hình nhà tránh lũ cộng đồng và hộ gia đình.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Hồ Quốc Minh cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện có 18 ngôi nhà tránh lũ cộng đồng, tập trung chủ yếu ở các xã vùng trũng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của địa phương, nguồn hỗ trợ của tỉnh, trung ương và một số chương trình dự án, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã triển khai xây dựng nhiều công trình trường học, trụ sở kết hợp với công năng là nhà tránh lũ khi có thiên tai xảy ra; hỗ trợ xây dựng hơn 38 ngôi nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo…
“Trong các đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua, cùng với sự chủ động của địa phương và người dân thì các mô hình nhà tránh lũ cộng đồng, hộ gia đình và chương trình cao tầng hóa trường học, trụ sở làm việc… là điểm tránh trú cho hàng ngàn người dân vùng thấp trũng, vùng nguy cơ cao về thiên tai. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân. Trên cơ sở này, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện trong việc hỗ trợ kinh phí, kêu gọi đầu tư thêm các mô hình nhà tránh lũ ở các vùng nguy cơ cao như ở vùng Càng, các khu vực dân cư biệt lập…” ông Minh cho biết thêm.
Còn tại huyện Triệu Phong, với “lợi ích kép” vừa là nơi làm việc và sinh hoạt cộng đồng, vừa là nơi tránh trú bão lũ, trong những năm qua, mô hình nhà tránh lũ đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần giúp người dân tránh được những nguy hiểm do thiên tai gây ra.
Ông Hoàng Quang Dưỡng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong thông tin, bằng nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Triệu Phong mô hình nhà tránh lũ cộng đồng đã được xây dựng ở hầu hết các xã. Bên cạnh đó, đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm nhà tránh lũ cho hộ nghèo theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chủ yếu ở các địa phương có nguy cơ thiên tai cao. Qua các đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, các mô hình nhà tránh lũ trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.
Có thể nói, hiệu quả mang lại của các mô hình nhà tránh lũ cộng đồng và hộ gia đình là rất lớn. Với tình trạng biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai như mưa bão, lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để tiếp tục xây dựng thêm nhiều ngôi nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các nhà tránh lũ cộng đồng ở các khu vực có nguy cơ cao… Qua đó, góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng, giúp người dân yên tâm hơn khi mùa mưa bão đến.