Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung tại 4583/UBND-KT ngày 29/7.
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 08/2/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Định.
UBND các huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và thực hiện Đề án tăng cường năng lực thu gom rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 11/9/2017; UBND các huyện An Lão, Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn rà soát, hoàn thiện Đề án đã phê duyệt theo hướng cụ thể hóa và phù hợp các quy định mới tại Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 (có hiệu lực ngày 01/01/2022) như: xây dựng Kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn…
UBND các huyện Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và Tuy Phước khẩn trương xây dựng giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, trình UBND tỉnh ban hành theo quy định. Đối với UBND huyện Hoài Ân, giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến nay đã hết hạn, khẩn trương đề xuất UBND tỉnh cho gia hạn hoặc xây dựng lại giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, trình UBND tỉnh ban hành theo quy định.
Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Theo đó, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ thu gom rác thải phải đạt ít nhất 50% số hộ gia đình trên toàn địa bàn; các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải đảm bảo trên 10% số hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và 70% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn xã được thu gom và xử lý theo đúng quy định (được tính theo lượng rác thải đưa về bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh hoặc thông qua số hộ đóng phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt).
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh (bãi rác các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, thị xã An Nhơn và bãi rác tạm của các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố); xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới. Đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.
UBND thành phố Quy Nhơn chủ động phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy tái chế rác sản xuất phân vi sinh tại Bãi rác Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn; UBND thị xã An Nhơn phối hợp với Công ty TNHH Toàn Xuân Hiếu đẩy nhanh tiến độ đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp chất thải rắn thị xã An Nhơn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí các thùng chứa, thiết bị thu gom chất thải có nắp đậy kín tại các khu vực công cộng như: chợ, công viên, bến xe, nhà ga, … trên địa bàn quản lý. Các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn bố trí thêm các phương tiện thu gom và tăng tần suất thu gom, vận chuyển rác thải trong ngày, không để rác thải trong khu dân cư bị tồn đọng.