Hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới và bảo trì đã tạo diện mạo cho các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số nơi hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư và phát triển đô thị.
Hạ tầng tại KĐT An Cựu City được đầu tư khá hoàn chỉnh
Dần đầu tư đồng bộ
Theo Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh (BQLKVPTĐT), các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (HTKT, HTXH) đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải, các DA xã hội hóa được đầu tư xây dựng, cải tạo. Cùng với đó, nhiều DA, công trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao cũng được quan tâm đầu tư và đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư năm 2020-2025.
Hiện trên địa bàn Khu đô thị mới An Vân Dương (KĐTM AVD) có hơn 30km đường chính đô thị được đầu tư, đưa vào sử dụng thuộc 20 DA trên địa bàn Khu A (TP. Huế), Khu B (Hương Thủy), Khu C (Phú Vang). Hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống cây xanh cũng được đầu tư khá đồng bộ. Trong đó, tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thị được chiếu sáng đạt 75%; tổng chiều dài đường ống thoát nước mưa chính hơn 31km.
Riêng toàn bộ hệ thống thoát nước thải được đầu tư đồng bộ, thông qua hệ thống ống dẫn và các trạm bơm trung chuyển để vận chuyển toàn bộ nước thải về nhà máy xử lý tại Khu B. Tại vị trí này, Ban QLDA DA cải thiện môi trường nước đang sử dụng để thi công nhà máy xử lý nước thải của DA giai đoạn 1 với công suất 30.000 m3/ngày đêm và công suất đã tính toán để xử lý cho toàn bộ nước thải phần còn lại của thành phố và một phần của KĐTM AVD. Ngoài ra, DA còn bố trí trạm bơm số 8 tại cầu Phát Lát để truyền tải toàn bộ nước thải về nhà máy để xử lý.
Hạ tầng giao thông tại KĐTM An Vân Dương được đầu tư khá hoàn chỉnh
Trong KĐTM AVD có 8 DA nhà đầu tư đang triển khai thực hiện, BQLKVPTĐT tỉnh làm chủ đầu tư (CĐT) 26 DA có trồng cây xanh, bao gồm cây xanh được trồng trong công viên và cây xanh được trồng trên vỉa hè phân cách của các tuyến đường. Đối với cây xanh hai bên vỉa hè, các CĐT cơ bản trồng hoàn chỉnh trên các tuyến đường với tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 15,5km. Đối với cây xanh trong khu vực công viên tổng diện tích công viên cây xanh của các DA khoảng 64ha.
Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc BQLKVPTĐT tỉnh thông tin, đối với các DA do đơn vị làm CĐT đã tiến hành trồng cây xanh công viên tại DA HTKT khu tái định cư (TĐC) Thủy Thanh GĐ3, chỉnh trang một phần CTR4 thuộc khu A, HTKT khu TĐC4. Đối với các DA của các nhà đầu tư đã tiến hành trồng cây xanh trong khu vực công viên, hai bên đường nội bộ của các KĐTM An Cựu, DA LK2, Phú Mỹ An, Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1.
Đơn vị này cũng thường xuyên phát động phong trào trồng cây và đã tiến hành trồng cây tại một số DA như HTKT khu CHC4, tuyến đường vào CHC1, tuyến đường Tố Hữu nối dài, dải phân cách hai bên đường 60m Khu B, dải phân cách hai bên đường Thủy Dương – Thuận An, theo hình thức xã hội hóa.
Cần thêm nguồn lực
Theo BQLKVPTĐT tỉnh, KĐTM AVD đang từng bước được đầu tư xây dựng, đồng bộ về HTKT, HTXH, từ đó thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, vốn đầu tư công trên địa bàn KĐTM AVD nhìn chung còn khá khiêm tốn so với nhu cầu phát triển của khu vực.
Các DA đầu tư trên địa bàn chủ yếu tập trung vào việc đầu tư hệ thống HTKT các khu TĐC để phục vụ nhu cầu TĐC và tổ chức đấu giá tạo vốn phát triển đất với quy mô vừa và nhỏ (điển hình như Khu TĐC Thủy Dương GĐ3, Thủy Thanh GĐ3, TĐ4, TĐC2), đối với hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng kết nối, HTXH vẫn chưa được đầu tư đấu nối đồng bộ, chỉ mới đầu tư thiết yếu đảm bảo đi lại. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư, và phát triển đô thị.
Ông Huỳnh Minh Khang đánh giá, cơ sở hạ tầng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là tiền đề để phát triển và hình thành nên các khu đô thị. Đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm và tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành giành nguồn lực đầu tư các tuyến đường vành đai, các tuyến giao thông chủ đạo kết nối giữa KĐTM AVD với TP. Huế, khu vực lân cận và kết nối với sân bay Phú Bài làm động lực phát triển KT-XH tỉnh.
Để thu hút và tạo môi trường sống lành mạnh, thuận lợi cho người dân tại khu đô thị, đơn vị đề xuất cần siết chặt quản lý đầu tư các công trình HTXH theo đúng cam kết. Theo đó, yêu cầu CĐT triển khai các công trình này song song với công trình nhà ở, thương mại, thậm chí chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã hoàn thành các công trình HTXH. Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông kết nối TP. Huế hiện hữu về biển Thuận An, về sân bay Phú Bài qua KĐTM AVD bằng nhiều hình thức đầu tư phù hợp, trong đó tăng cường hình thức đối tác công tư (PPP).
Bên cạnh các DA xây dựng khu đô thị mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các DA khoa học công nghệ lớn (thành phố thông minh, khu công nghệ cao) và DA giáo dục đào tạo chất lượng cao (thành phố giáo dục quốc tế), DA y tế công nghệ cao.
Việc xây dựng hình thành khu đô thị phải kết hợp song song với việc chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, quản lý đô thị. Đơn vị sẽ tăng cường và thực hiện phối hợp hiệu quả hơn với chính quyền địa phương để quản lý vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, đổ trộm rác thái, xà bần...