Phát triển giao thông là một trong những chương trình đột phá được huyện Bến Lức tập trung triển khai thực hiện từ nhiều năm qua. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, huyện đã huy động hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội.
Một góc đô thị Bến Lức (Ảnh: T.Hương)
Điểm nổi bật đó chính là nâng chất đô thị thị trấn Bến Lức xứng tầm là trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của huyện. Từ các nguồn vốn thị trấn Bến Lức đã được đầu tư các công trình như đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Văn Tiếp… Hơn 5 năm qua, huyện đã nhựa hóa trên 14 km đường góp phần hoàn thành chỉ tiêu 100% tuyến đường huyện được nhựa hóa; trên 225 km đường trong các dự án và đường trực xã được nhựa hóa. Đối với đường đô thị, 100% tuyến đường trong khu vực đô thị được nhựa hóa.
Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Bến Lức đã tập trung thực hiện Chương trình đột phá Phát triển và quản lý đô thị đạt kết quả tích cực. Huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bến Lức được quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững, từ đó không gian đô thị có sự chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo có nhiều thay đổi.
Từ chương trình trên, nhiều công trình, hạng mục được đầu tư như hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, cây xanh,... tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điểm nổi bật hơn hết, thị trấn Bến Lức là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội được dồn lực đầu tư với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Những tuyến đường khang trang sạch đẹp ở vùng nông thôn Bến Lức (Ảnh: M.Hương)
Đến nay, trong phát triển nhà ở dân cư trên địa bàn huyện, các dự án dân cư đô thị, nhà ở nông thôn xây dựng mới trên 4.000 căn, diện tích sàn lên đến 818.000m2 và có thể tiếp nhận trên 38.000 người. Từ đó, bộ mặt đô thị ngày càng được nâng lên như Khu dân cư Trần Anh, Chung Phú, Thắng Lợi, Nam Long,... Song song với phát triển nhà ở, nhiều tuyến đường giao thông cũng được nâng cấp, làm mới.
Nhận thức hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương vì vậy, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn huyện Bến Lức đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến giao thông. Khi đường, cầu được đầu tư xây mới, sửa chữa sẽ giúp việc giao thương hàng hóa thuận lợi, người dân di chuyển dễ dàng, tạo sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Chính vì vậy, huyện Bến Lức đã đầu tư nhiều công trình giao thông nhằm kết nối với huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Bến Lức còn được tỉnh Long An quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế địa phương.
Theo lãnh đạo huyện Bến Lức, so với các địa phương khác trong tỉnh, Bến Lức sở hữu vị trí đắc địa, có nhiều tuyến giao thông trọng yếu kết nối như Quốc lộ 1, N2, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành... mang đến nhiều triển vọng cho việc thu hút đầu tư. Hiện nay, Bến Lức là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư cho thị trường bất động sản về nhà ở, mở lối hình thành đô thị vệ tinh tại Long An.
Về quản lý đô thị, Bến Lức đã thực hiện xong việc lập quy hoạch và công bố quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bến Lức, quy hoạch sử dụng đất huyện Bến Lức, quy hoạch nông thôn mới 14 xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Bến Lức còn được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 đô thị Bến Lức đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 Bắc Bến Lức và một số khu vực định hướng phát triển đô thị do UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, lập quy hoạch như KDC Kosy, Ecoland Thanh Phú,...
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Bến Lức định hướng từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống người dân đô thị; đưa đô thị Bến Lức đạt đô thị loại III, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, thương mại - dịch vụ, du lịch, đầu mối giao thông. Trong đó, thị trấn Bến Lức là hạt nhân và được phát triển lan tỏa ra các xã phía Nam gồm: Nhựt Chánh, Thạnh Đức, An Thạnh, Thanh Phú, Tân Bửu, Mỹ Yên, Phước Lợi, Long Hiệp.
Để đạt được định hướng đề ra, Bến Lức tiếp tục lập chương trình phát triển và quản lý đô thị, hoàn chỉnh các tiêu chí chưa đạt của đô thị loại III, trong đó, tập trung phát triển đô thị một số khu vực theo hướng hiện đại, thông minh, phát triển công nghiệp dịch vụ, tạo điểm nhấn trong công tác lập quy hoạch đô thị./..