Mưa lũ diễn biến khốc liệt tại nhiều địa phương trong năm 2020 (Ảnh: CTV)
Quảng Bình: Sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt nhất với kịch bản thiên tai diễn biến xấu nhất
Năm 2020, Quảng Bình chịu ảnh hưởng tới 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 5 đợt mưa lũ, 15 đợt nắng nóng, 12 đợt không khí lạnh. Trong đó, khốc liệt nhất là các đợt thiên tai liên tiếp trong tháng 10; riêng 2 cơn bão (số 8 và số 9 ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình) và hai đợt mưa lũ, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 10 với mức nước lũ vượt qua các mốc trong quá khứ, mực nước trên các lưu vực sông chính như hệ thống sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Son… đều vượt mức báo động III, vượt lũ lịch sử năm 1979, nặng nhất là hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Đây là năm thiên tai diễn ra rất khốc liệt tại Quảng Bình. Mặc dù đã tích cực triển khai quyết liệt các phương án ứng phó với mưa lũ, nhưng do lượng mưa quá lớn nên đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản trên phạm vi toàn tỉnh. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 3.676 tỷ đồng; riêng tháng 10 là 3.511,674 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lũ còn làm 25 người chết, 197 người bị thương.
Riêng thiệt hại do mưa lũ lịch sử gây ra trong tháng 10 năm 2020 ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của Nhân dân, đòi hỏi cần nhiều thời gian, nguồn lực, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục thiệt hại do thiên tai.
Nhìn lại một năm mưa lũ vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, từ đợt thiên tai khốc liệt này, địa phương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá trong phòng chống thiên tai.
Đó là việc Quảng Bình vốn nằm ở vùng thường xuyên có thiên tai xảy ra, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hiện nay, do vậy, cần luôn trong tâm thế sẵn sàng các phương án để ứng phó tốt nhất với kịch bản thiên tai diễn biến xấu nhất, không chủ quan, đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn về con người. Người dân phải tuân thủ sự chỉ đạo của cán bộ, lực lượng chức năng, không để bị động trong phòng chống thiên tai.
Qua đợt thiên tai khốc liệt năm vừa qua, Quảng Bình nhận thấy rõ phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn nguyên giá trị, cần phải tiếp tục quán triệt, phát huy cao hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” không chỉ ở các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước mà phải xuất phát từ từng người dân, hộ gia đình. Trong đó, việc đảm bảo phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng phòng chống thiên tai, nhất là ở cơ sở phải được quan tâm đúng mức.
Để sẵn sàng cho mùa mưa lũ sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho rằng, mỗi một người chỉ huy ở từng cấp phải bám sát thực tiễn, trực tiếp chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án, kịch bản ứng phó, khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác phòng chống thiên tai.
Đáng chú ý, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động hợp đồng, chỉ huy sớm triển khai các lực lượng, phương tiện về các địa bàn xung yếu, trọng yếu là yếu tố quyết định tính chủ động trong ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai tuân thủ lệnh chỉ huy, các quy định trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và người dân.
Thừa Thiên Huế: Phương châm “4 tại chỗ” là nhân tố quyết định trong công tác phòng chống thiên tai
Trong năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão (số 5, số 9, số 13), hoàn lưu của 4 cơn bão (số 6, số 7, số 8, số 12) gây ra sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15, kèm theo mưa với 8 đợt mưa rất lớn trên diện rộng. Đặc biệt từ ngày 6/10 đến ngày 22/10/2020, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp di chuyển vào các tỉnh Nam Trung Bộ và trường gió Đông phát triển mạnh và hoàn lưu 3 cơn bão liên tiếp số 6, 7, 8 nên tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to trên diện rộng gây ra một đợt lũ đặc biệt lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ảnh hưởng của thiên tai khốc liệt trong năm 2020 đã gây rất nhiều thiệt hại cho địa phương. Trong đó, đã có 38 người chết, 11 người mất tích, thiệt hại 2.273 tỷ đồng. Tính riêng cơn bão số 5 tác động trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại hơn 505 tỷ đồng.
Từ các đợt thiên tai xảy ra trong năm 2020, Thừa Thiên Huế cho rằng, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là nhân tố quyết định trong công tác phòng chống thiên tai. Đối với Thừa Thiên Huế còn vận dụng phương châm tự quản tại chỗ, nhất là trong và sau khi xảy ra thiên tai. Nhờ thực hiện tốt “4 tại chỗ” và tự quản tại chỗ nên nhiều trường hợp khẩn cấp trong thời gian diễn ra bão lũ đã được hỗ trợ kịp thời, đồng thời, lương thực thực phẩm được nhân dân chuẩn bị chu đáo nên cả tỉnh không có trường hợp bị thiếu đói, dứt bữa.
Thứ nữa, đó là không chủ quan lơ là mà luôn chủ động, sáng tạo, sẵn sàng trong mọi tình huống bất thường của thiên tai. Rất nhiều công việc cần được quan tâm triển khai như: Chủ động và kịp thời sơ tán, di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, nhất là khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới phải thực hiện nghiêm túc lệnh “cấm biển” không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ về nơi tránh trú an toàn trước khi bão vào và sau khi bão kết thúc. Chính nhờ triển khai nghiêm túc vấn đề này mà thiệt hại về tính mạng ngư dân và tàu thuyền trong năm 2020 do thiên tai ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm thiểu đến mức tối đa.
Một công việc không thể thiếu trong phòng chống thiên tai được Thừa Thiên Huế chỉ ra là cần chủ động theo dõi, giám sát diễn biến, tình hình thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phổ biến đến cộng đồng bằng mọi phương tiện sẵn có.
Đi cùng với đó còn là vai trò quan trọng chủ lực của các lực lượng vũ trang trên mặt trận cứu hộ cứu nạn: Quân đội, công an. Bên cạnh đó là tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các Văn phòng thường trực các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp địa phương nhiệt huyết, tận tâm, đoàn kết, đồng lòng khắc phục khó khăn về đời sống, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị để hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và vai trò tiên phong của các lực lượng chuyên trách công tác phòng chống thiên tai mà thiệt hại thiên tai đã được giảm thiểu.
Quảng Nam: Tiếp tục tổ chức di dời, sắp xếp dân cư vùng sạt lở đất
Cùng với các địa phương Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, trong năm 2020 vừa qua, thiên tai xảy ra tại tỉnh Quảng Nam cũng không kém phần khắc nghiệt, đặc biệt về loại hình thiên tai sạt lở đất. Trong tháng 10/2020, tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã xuất hiện 27 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.512mm; lượng mưa ngày lớn nhất đạt 254.4mm vào ngày 28/10/2020, với cường suất mưa đạt 41.4mm/giờ.
Tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn trong tháng 10 đã xuất hiện 25 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.305,8mm; lượng mưa ngày lớn nhất đạt 342,8mm vào ngày 28/10/2020, với cường suất mưa đạt 51.2mm/giờ. Với lượng mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày nêu trên đã làm cho đất bão hòa nước, mất dần liên kết nên gây sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tiễn của thiên tai năm 2020 và với dự báo diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, để chủ động ứng phó với tình hình trên, Quảng Nam cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức di dời, sắp xếp dân cư vùng thiên tai đe dọa, nhất là vùng sạt lở đất tại các địa phương khu vực miền núi.
Đi cùng với đó, địa phương sẽ triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Hướng dẫn tới từng xã để chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân tự phòng chống rủi ro hoặc thực hiện sơ tán, di dời tạm các hộ dân đi tránh trú vào mùa mưa lũ.
Tăng cường hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin kịp thời đến chính quyền cơ sở, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến và giải pháp ứng phó với thiên tai, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Ngoài ra, công cụ này cũng góp phần cung cấp cho các địa phương các thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, lồng ghép các kế hoạch, biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất đá gây ra.
Để sẵn sàng phòng chống thiên tai, Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai; phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro; lồng ghép phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực, tăng cường trang thiết bị cho Ban chỉ huy cấp huyện, cấp xã đảm bảo hoạt động chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng tham mưu kịp thời, chính xác với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó một cách hiệu quả nhất. Đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, thành lập các đội cứu hộ cơ động và trang bị cơ sở vật chất, kỹ năng cần thiết để ứng cứu, xử lý và khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra.
Thực tế cho thấy những vấn đề được đúc rút ra từ công tác phòng chống thiên tai trong năm 2020 vừa qua không chỉ bài học quý báu của riêng các tỉnh nêu trên mà còn là kinh nghiệm cho các địa phương khác khi mùa mưa bão năm 2021 sắp đến gần./.