Tại An Giang có rất nhiều mô hình hỗ trợ xây mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh quá khó khăn không có nhà ở hay ở trong các căn nhà tạm bợ. Những việc làm nghĩa tình nêu trên đã lan rộng toàn tỉnh, giúp người nghèo vơi bớt lo toan.
Thành viên Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành (An Giang) chuẩn bị vật liệu xây nhà tặng hộ nghèo.
Tại An Giang có rất nhiều mô hình hỗ trợ xây mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh quá khó khăn không có nhà ở hay ở trong các căn nhà tạm bợ. Những việc làm nghĩa tình nêu trên đã lan rộng toàn tỉnh, giúp người nghèo vơi bớt lo toan.
Hội mái ấm tình thương Châu Thành
Cứ chủ nhật hằng tuần, Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành, tọa lạc tại xã Vĩnh Thành, lại rộn ràng tiếng thầy, thợ gọi nhau trộn bê-tông, buộc khung sắt. Do dịch bệnh cho nên lượng người tập trung hạn chế, nhưng không vì thế mà kém đi sôi động. Gọi là thầy, thợ nhưng thực tế đều là những người cao tuổi cùng nhau làm việc thiện nguyện, góp công sức giúp người nghèo khó có căn nhà che nắng, che mưa. Người tuổi cao sức yếu thì ngồi bẻ co sắt, người mạnh khỏe hơn thì khiêng vác sắt, đổ bê-tông, trộn hồ. Tùy theo sức khỏe mà làm, nhưng công việc rất nhịp nhàng.
Ông Hồ Quang Hoài, Chủ tịch Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành bộc bạch: Châu Thành có nhiều hộ nghèo và cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở; nhiều hộ có nhà bị xuống cấp nhưng chủ hộ không có khả năng sửa chữa và cất mới. Trước năm 2014, huyện có khoảng 1.800 hộ nghèo và 2.600 hộ cận nghèo, cho nên một số nhà hảo tâm muốn giúp đỡ. Chính vì vậy, Ủy ban MTTQ huyện Châu Thành đã xin phép thành lập Hội Mái ấm tình thương, trực thuộc Ủy ban MTTQ huyện quản lý. Ngày 5-3-2014, UBND huyện Châu Thành ký quyết định công nhận Ban vận động Hội Mái ấm tình thương. Ngày 3-6-2014, UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận thành lập "Hội Mái ấm tình thương huyện Châu Thành", trụ sở chính đặt tại ấp Ðông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành.
Lúc thành lập, hội chỉ có vài người. Nhưng sau đó, người dân nhận thấy việc làm thiết thực của hội cho nên tình nguyện tham gia mỗi lúc một đông. Ðến nay, hội có hơn 240 người. Hội Mái ấm tình thương của huyện có năm tổ, gồm: tổ hậu cần, tổ bẻ co, tổ kéo sắt, tổ buộc khung, tổ kỹ thuật. Ông Hồ Quang Hoài chia sẻ, hội tặng các hộ nghèo, hộ có nhà cần sửa chữa bộ cột bê-tông gồm 10 cây để làm khung cột nhà cho vững chắc so với khung cây. Còn phần xây cất nhà thì do chính quyền địa phương phối hợp vận động thêm kinh phí để hoàn thiện căn nhà. Ðịa phương nào không có đội thi công xây nhà từ thiện, hội sẽ đến hỗ trợ xây miễn phí.
Trong bảy năm hoạt động, hội đã thực hiện gần 1.100 bộ cột nhà bê-tông cốt thép tặng người nghèo, với giá trị quy đổi hơn ba tỷ đồng. Riêng đội thi công đã xây hàng trăm căn nhà, mỗi căn trị giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng ở các xã, thị trấn. Ông Hoài cho biết, sau năm 2014, số hộ nghèo không có nhà ở hay nhà tạm giảm xuống đáng kể. Có được kết quả như vậy trước hết nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và nhất là sự đồng thuận cao của nhân dân, cán bộ, chức sắc, chức việc các tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Hội phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ đúc hơn 800 bộ cột bê-tông tặng người nghèo.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, 64 tuổi, Tổ trưởng tổ phụ trách kỹ thuật của Hội Mái ấm tình thương huyện là người nhiệt huyết với nghề, dù đời sống kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Lúc trẻ, ông Mạnh tình nguyện đi xây cầu nông thôn, xây nhà cho người nghèo cho nên có tay nghề. Hay tin Hội Mái ấm tình thương thành lập, ông Mạnh đã sốt sắng tham gia. Hội tin tưởng giao ông Mạnh làm Ðội trưởng thi công xây nhà. Ông Mạnh tâm sự: Tuy làm việc miễn phí nhưng ai nấy đều nhiệt tình. Có căn nhà mới vững chắc không còn sợ nắng mưa nên mọi người vui lắm. Các hội viên không quên được niềm xúc động khi bà Trần Thị Kim Nương, ngụ ấp Ðông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành có căn nhà vững chắc do hội xây tặng, thay cho căn nhà xiêu vẹo trước đó. Bà Nương lại bị bệnh, không thể dành dụm tiền để xây nhà mới. Hội Mái ấm của huyện đã hiện thực hóa ước mơ của bà, giúp bà không còn phải lo khi mùa mưa cận kề. Hay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Việt, ngụ ấp Tân Thành 1, xã Tân Thành, sống trong căn nhà lụp xụp. Ông Việt đi làm thuê kiếm sống để nuôi vợ bị bệnh, cho nên không dư giả gì. Ước mơ xây được căn nhà mới đối với vợ chồng ông Việt quá xa xôi. Hội Mái ấm thông qua chính quyền địa phương đã tìm đến ông để lên kế hoạch xây hỗ trợ căn nhà.
Nhiều mô hình xây nhà giúp người nghèo
Tại 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang đều có các mô hình xây nhà giúp người nghèo. Tổ cất nhà từ thiện xã Tân Phú, huyện Châu Thành, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ xã, biết ai khó khăn về nhà ở sẽ tìm đến xây tặng căn nhà sàn, lót ván cây, mái tôn trị giá hơn 15 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ cất nhà từ thiện chia sẻ, tổ thành lập từ năm 2013 tới nay, mỗi năm xây hơn 300 căn, diện tích chung mỗi căn 32 m2. Ông Thanh tâm sự, tổ có hàng chục thành viên, hầu hết đời sống còn khó khăn, nhưng khi giúp người nghèo ai cũng nhiệt tình. Người có tiền hỗ trợ thêm tiền, người có sức thì góp công.
Còn Tổ cất nhà mái ấm tình thương xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới thành lập vào năm 2001 chỉ có năm thành viên, nhưng đến nay đã có hơn 50 người. Ông Phan Văn Hạo, Tổ trưởng Tổ cất nhà mái ấm tình thương xã Nhơn Mỹ thông tin: Trung bình mỗi năm, Tổ xây và cất mới khoảng 40 căn nhà, trong đó có 20 căn khung thép và 10 căn khung cột đúc bê-tông.
Theo Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả các mô hình: Tổ cất nhà từ thiện; Hội Mái ấm tình thương; Khu nhà Ðại đoàn kết; Nhà đồng đội; Mái ấm công đoàn; Nhà nhân ái..., do các tổ chức, đoàn thể quản lý. Từ năm 2016 đến năm 2020, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền mặt và hiện vật với tổng giá trị 948 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ cất mới 10.829 căn nhà Ðại đoàn kết, sửa chữa 1.912 căn nhà cho hộ nghèo.