Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Hà Nội kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án xây dựng nguồn và mạng lưới cấp nước, tiếp tục mở rộng diện cấp nước, phấn đấu đến năm 2025, 100% người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ được nâng công suất lên 600.000m3/ ngày-đêm vào năm 2025.
Quy hoạch rõ bản đồ cấp nước
Thông tin về điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6-4-2021), Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, điểm mới là thay vì 2 quy hoạch riêng rẽ cho khu vực đô thị và nông thôn trước đây, quy hoạch cấp nước điều chỉnh đưa tất cả về một mối, bao phủ toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; bảo đảm người dân đô thị và nông thôn đều được sử dụng cùng một tiêu chuẩn chất lượng nước sạch. Bên cạnh đó, quy hoạch điều chỉnh không chỉ định hướng ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nước ngầm, mà còn xác định xây dựng hệ thống cấp nước kết nối liên vùng (không phân biệt địa giới hành chính) nhằm đa dạng phương án cấp nước cho Thủ đô, bảo đảm an toàn, ổn định.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước cũng phân chia bản đồ cấp nước theo các khu vực, xác định phạm vi cấp nước cụ thể cho các nhà máy. Theo đó, bên cạnh định hướng nâng công suất các nhà máy nước mặt đã có, quy hoạch điều chỉnh còn bổ sung nhà máy mới (Nhà máy Nước Xuân Mai), một số nhà máy nước mặt nội bộ khu vực và bổ sung nguồn cấp từ tỉnh Hà Nam cho thành phố Hà Nội... Cụ thể, Nhà máy Nước mặt sông Đà nâng công suất lên 750.000m3/ngày-đêm (năm 2025) và 900.000m3/ngày-đêm (năm 2030), phạm vi cấp nước gồm dọc Đại lộ Thăng Long, cấp bổ sung cho khu vực trung tâm Hà Nội, Hà Đông... Nhà máy Nước mặt sông Đuống nâng công suất lên 600.000m3/ngày-đêm (năm 2030), cấp nước cho khu vực phía Đông (quận Long Biên, huyện Gia Lâm), một phần phía Bắc (huyện Đông Anh, Sóc Sơn)... Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày-đêm (năm 2025) cấp nước cho khu vực phía Tây (huyện Đan Phượng, Phúc Thọ)... Nhà máy Nước Xuân Mai công suất đến năm 2025 là 200.000m3/ngày-đêm, cấp bổ sung cho các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức...
Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) Bùi Thị An, việc phân rõ vùng cấp nước và công suất quy hoạch sẽ giúp các nhà máy tính toán phương án đầu tư. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống cấp nước theo mạch vòng là giải pháp an toàn để các nhà máy có thể hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố mà không làm gián đoạn việc cấp nước.
Thi công đường ống dẫn nước tại huyện Mê Linh.
Xác định dự án ưu tiên, phân kỳ đầu tư
Ông Lê Văn Du cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở NN&PTNT lập kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố xác định các dự án ưu tiên, phân kỳ đầu tư và đề xuất các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực xã hội tham gia phát triển nguồn và mạng cấp nước. Trước mắt, trong năm 2021, thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch từ 78% lên khoảng 85%; đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển mạng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với mục tiêu hoàn thành mạng lưới cấp nước cho 68 xã trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, đầu tư xây dựng mới cho 50 xã và hoàn thiện các dự án đang triển khai tại 18 xã để đưa nước sạch tới khoảng 70.000 hộ. Đồng thời, UBND các huyện và thị xã Sơn Tây vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch. Sau khi các nhà máy nước mặt theo quy hoạch được đầu tư xây dựng, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị sử dụng nguồn nước ngầm xây dựng kế hoạch đóng dần các trạm nước ngầm, chuyển thành các trạm tăng áp.
Tuy nhiên, tham gia đầu tư cấp nước trên địa bàn Hà Nội, cũng có doanh nghiệp gặp khó khăn. Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh Nguyễn Diệu Hằng chia sẻ, đơn vị đã hoàn thành dự án nhà máy nước công suất 25.000m3/ngày-đêm, cùng đường ống truyền tải cấp nước tới 12 xã của huyện Mê Linh; hoàn thành thi công 70% tuyến ống dịch vụ đưa nước đến trước cửa các hộ dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân đấu nối đạt rất thấp (10%) dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp…
“Để tháo gỡ khó khăn, khuyến khích nhà đầu tư tham gia triển khai dự án nước sạch, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài chính nghiên cứu điều chỉnh giá nước sạch; Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế hỗ trợ đầu tư nước sạch khu vực nông thôn; UBND các huyện, thị xã Sơn Tây tổ chức kiểm tra đánh giá, tuyên truyền người dân ngừng khai thác nước ngầm, chuyển sang sử dụng nước sạch bảo đảm sức khỏe”, ông Lê Văn Du thông tin.