Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cùng Đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại; đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa có cuộc tham dự tại Phiên họp của Ủy ban thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Geneve (Thụy Sĩ) với 35 nước tham dự. Tại Phiên họp, các nước đã thảo luận về định hướng hành động nghị viện trước những mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh. Ngoài ra, các nước đã thông qua Nghị quyết về chính sách nghiện viện nhằm tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai gây ra.
Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế.
Hiện nay biến đổi khí hậu đang là thách thức rất lớn đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia và toàn cầu. Chính vì vậy, phiên họp này có ý nghĩa quan trọng để các nước bàn thảo và cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của có Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 142 về “Chiến lược nghị viện để tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các hệ lụy của chúng”. Đồng thời, thông qua phiên họp này, các nước làm sâu sắc thêm những mục tiêu đã được đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, hội nghị các bên (COP), các nghị quyết mà IPU đã thông qua liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, tăng cường quá trình thực thi đối với 17 mục tiêu của phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) cũng như nhận diện các xung đột, các nối đe dọa từ biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Trong phần tham luận gửi Ban thư ký IPU-142 về chủ đề: “Chiến lược nghị viện để tăng cường hòa bình và an ninh chống lại các mối đe dọa và xung đột do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và các hệ lụy của chúng”, Việt Nam khẳng định: Biến đổi khí hậu và các vấn đề, hệ lụy từ biến đổi khí hậu luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, coi trọng trong nhiều năm qua và đã tham gia ký kết, ban hành nhiều văn bản.
Về các thỏa thuận quốc tế: Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Nghị định thư Kyoto; Thỏa thuận Paris về khí hậu; các Nghị quyết của COP, các Nghị quyết của IPU, ASEAN..., các cơ chế quốc tế về biến đổi khí hậu...
Về các văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam: Các văn kiện, các Nghị quyết từ Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) cho đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021); Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều văn bản khác có nội dung về các vấn đề của biến đổi khí hậu.
Về các văn bản của Quốc hội Việt Nam: Hiến pháp năm 2013; Luật bảo vệ môi trường; Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Dân sự; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Lâm nghiệp; Luật chuyển giao công nghệ; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Thủy lợi; Luật Đê điều...; Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; các nghị quyết về phân bổ ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội...
Về các văn bản của Chính phủ Việt Nam: có khoảng 19 văn bản của Chính phủ, 60 văn bản của Thủ tướng Chính phủ và trên 220 văn bản của các bộ, ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề của biến đổi khí hậu như: Các văn bản hướng dẫn thi hành luật có nội dung về các vấn đề của biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu (Triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ); Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 về phê duyệt chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 về phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được ban hành tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) năm 2017....
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Về các thiết chế: Quốc hội Việt Nam có Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội thể hiện vai trò chủ đạo, với nhiều đóng góp quan trọng được sửa đổi trong Hiến pháp 2013 liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc gây ô nhiễm, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học (Điều 63- Hiến pháp 2013) cũng như trong việc thẩm tra các dự án luật khác liên quan đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường. Chính phủ có Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Chính phủ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã chi hàng tỷ USD cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; xây dựng các mô hình sinh kế, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển năng lượng tái tạo; nâng cấp công tác cảnh báo, dự báo thiên tai; xây dựng các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập và xâm nhập mặn…; đóng góp tài chính cho biến đổi khí hậu và Quỹ Khí hậu xanh, tích cực tham tham gia các hoạt động quốc tế về biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2020, Việt Nam đã gửi Liên Hợp Quốc báo cáo đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và đưa NDC vào Luật để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Giảm phát thải khí nhà kính đã được luật hoá, trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện.
Các mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới liên quan đến vấn đề an ninh khí hậu
Là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác an ninh và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 và lên tới 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 (lượng khí nhà kính giảm của năm 2030 bằng tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2014) khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương, đầu tư của doanh nghiệp và các cơ chế hợp tác khác trong và ngoài Thỏa thuận Paris. Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện sáng kiến trồng thêm ít nhất 1 tỷ cây xanh trong 05 năm với khẩu hiệu “Vì Việt Nam xanh” nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phòng chống thiên tai, lũ, lụt, xói mòn và sạt lở đất, hấp thụ lượng lớn khí nhà kính. Theo tính toán của Cơ quan Môi trường Liên minh Châu Âu, khi cây trưởng thành mỗi cây một năm sẽ hấp thụ ít nhất 22kg CO2 từ khí quyển, như vậy với 1 tỷ cây xanh khi trưởng thành hàng năm cũng sẽ hấp thụ ít nhất 22 triệu tấn CO2 từ khí quyển.
Để hướng tới mục tiêu giảm phát thải trong NDC cập nhật và thực hiện Thoả thuận Paris, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã tập trung tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm dần tỷ trọng năng lượng hóa thạch trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Cụ thể, nhiệt điện than giảm từ 34% năm 2020 xuống 27% năm 2030 và xuống 18,1% năm 2045. Năng lượng tái tạo tăng lên 32,4% năm 2030 và có thể lên đến 46,5% năm 2045, trong đó điện gió, điện mặt trời chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên để thực hiện các nỗ lực nêu trên, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Riêng đầu tư hệ thống điện trong giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 192,3 tỷ USD. Để giảm phát thải khí nhà kính đến 27% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường, Việt Nam cần bổ sung vốn đầu tư ban đầu khoảng 68,8 tỷ USD. Để thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng cần thêm khoảng 35 tỷ USD, trong đó có việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu./.