Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là lần thứ ba được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bốn điểm mới nổi bật
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là lần thứ ba được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước và là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
So với nhiệm kỳ trước, trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều vì vẫn áp dụng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Tuy nhiên, vì Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sửa đổi, bổ sung nên có tác động đến công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thứ nhất, về điều kiện quốc tịch khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, so với nhiệm kỳ trước, khi thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm tiêu chuẩn chỉ có 01 quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước.
Số lượng đại biểu Quốc hội được ấn định là 500 đại biểu (bằng số đại biểu Quốc hội được bầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV). Tuy nhiên, cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tăng 5% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định số đại biểu chuyên trách tăng từ 35% lên 40%).
Số lượng đại biểu HĐND giảm đều ở từng cấp tùy thuộc vào số dân và loại hình đơn vị hành chính là đồng bằng, miền núi, vùng cao, hải đảo. Cụ thể: Số lượng đại biểu HĐND cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu; Số lượng đại biểu HĐND cấp huyện giảm 5 đại biểu; Số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh giảm 10 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu (từ 105 xuống còn 95 đại biểu).
Cơ cấu của Thường trực HĐND và số lượng đại biểu HĐND chuyên trách có sự thay đổi.
Thứ ba, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được xác định theo Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Việc tính tuổi được áp dụng đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và không chuyên trách). Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội, HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây. Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.
Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Thứ tư, để đáp ứng yêu cầu của những điểm mới, công tác chuẩn bị bầu cử đã được triển khai từ sớm. Ngay từ giữa năm 2019, Đảng đoàn Quốc hội đã giao cơ quan chuyên môn dự thảo Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đề án này đã được Hội nghị 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thông qua. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và Thông báo 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trên cơ sở Thông báo 174-TB/TW của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia. Từ đây, các công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Các tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia đã được kiện toàn từ sớm. Từ đó, tạo sự chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, các hoạt động hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện cở vật chất cho cuộc bầu cử kịp thời triển khai.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chuẩn bị kỹ, chọn lựa những người xứng đáng
Các điểm mới trong cuộc bầu cử hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đồng thời là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND ngày càng chuyên nghiệp. Khi tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thay đổi, tất yếu sẽ tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử.
Công tác quy hoạch, lựa chọn và bố trí nhân sự ứng cử và việc rà soát hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã được thực hiện kỹ lưỡng để lựa chọn được những người thực sự xứng đáng.
Một trong những nội dung được Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử quan tâm là công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong những tình huống nguy cơ dịch bệnh vẫn còn có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế.
Vấn đề giám sát, kiểm tra hoạt động bầu cử cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia triển khai từ sớm. Ngay từ đầu tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3/2021 đến trước ngày diễn ra bầu cử.
Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức giám sát đợt 1 tại 16 địa phương. Hiện đang tiếp tục tổ chức giám sát đợt 2 (thời gian từ ngày 13/4 đến 25/4). Đợt 3 dự kiến tổ chức các đoàn giám sát khoảng thời gian từ 5/5 đến trước ngày bầu cử, mục tiêu đặt ra là sẽ giám sát công tác chuẩn bị triển khai công tác bầu cử toàn bộ các địa phương trong cả nước xong trước ngày 20/5/2021 để đảm bảo kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo quy đúng quy định của pháp luật về bầu cử.