Bảng niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
“Lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thực sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri."
Khi ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang tới gần, những lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bầu cử, bỏ phiếu, chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho Nhân dân vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với sự phát triển của đất nước.
Thực hiện quyền làm chủ nước nhà
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà."
Hiến pháp năm 2013 cũng đã nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân."
Vì lẽ đó, đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định và việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật.
Xuất phát từ những quy định pháp luật và tính chất của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân như trên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã luật định 4 nguyên tắc bầu cử là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bốn nguyên tắc trên cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ hiện nay.
Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, (trừ những người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử.
Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội: Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật, được Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày diễn ra bầu cử; các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân; thời gian bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật); mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri; danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày diễn ra bầu cử; Danh sách ứng cử viên cũng được lập và niêm yết công khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn.
Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo... Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.
Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng.
Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.
Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu.
Để bảo đảm khách quan trong việc lựa chọn của cử tri, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín.
Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Như vậy, mọi quy định của pháp luật về bầu cử đã tạo ra những cơ chế rộng rãi nhất, thuận lợi nhất, dân chủ nhất để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình.
Nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri
Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã hy sinh xương máu để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc là độc lập, tự do, dân chủ.
Cùng với “quyền,” pháp luật cũng quy định rõ “nghĩa vụ” của công dân. Quyền của công dân được bảo đảm bằng pháp luật khi công dân làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng pháp luật. Trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri phải có trách nhiệm tham gia giới thiệu người ra ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm góp phần vào việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cử tri nơi người ứng cử công tác và cư trú có trách nhiệm tham gia ý kiến nhận xét.
Nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương, qua các lần tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, qua các cuộc tiếp xúc tuyên truyền, vận động bầu cử của người ứng cử.
Nói bầu cử là nghĩa vụ bởi nếu công dân (cử tri) không đi bầu cử thì không thể thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp như luật định. Đó là: nếu không bầu cử thì không có đại biểu Quốc hội và từ đó không thể thực hiện việc bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, không thể phê chuẩn các chức danh khác theo luật định. Không có nhà nước thì không thể thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, cũng không thể thực hiện việc bảo đảm tính chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của nhà nước.
Điều này cũng có nghĩa rằng công dân không thực hiện nghĩa vụ bầu cử thì đã xâm phạm đến quyền ứng cử của công dân khác bởi các ứng cử viên đó không có ai bầu thì không thể trở thành các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Bên cạnh đó, Hiến pháp quy định nhiều nghĩa vụ của công dân liên quan đến đất nước, như “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc” (Điều 44), “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45), “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 46)…
Đồng bào dân tộc Dao xem danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu số 7 thuộc xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Hay về các quyền của công dân, như “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3), “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6), “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” (Điều 21)… đều cần phải có nhà nước để bảo đảm cho công dân được thực hiện các quyền ấy. Như vậy, nếu không có nhà nước và chính quyền các cấp (do không có hoạt động bầu cử) thì các nghĩa vụ và các quyền của công dân không thể thực hiện đầy đủ.
Từ đó cho thấy, ý kiến nói cử tri có thể đi bầu cử hoặc không vì chỉ là quyền mà không phải là nghĩa vụ là một ý kiến sai trái, ngụy biện và trái với cả thực tiễn lẫn pháp lý. Những biểu hiện của một số công dân như thờ ơ, bàng quan với bầu cử; dùng lợi ích cá nhân để “mặc cả” việc đi bỏ phiếu bầu cử; hay đi bỏ phiếu kiểu “cho xong,” “gạch bừa” chỉ để được đóng dấu “đã đi bầu,” không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc./.