Nước ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Hiện nay, các đô thị ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn từ hiểm họa thiên tai và biến đổi khí hậu xuất hiện nhiều và bất thường.
Trong bối cảnh đó, sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị Việt Nam trở thành một mối quan tâm lớn của các cấp chính quyền trung ương và địa phương.
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quá trình đô thị hóa ở mỗi nước cũng diễn ra theo xu hướng nhanh, chậm khác nhau bởi nó phụ thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở quốc gia đó.
Tại Việt Nam, thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn, tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan tỏa diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Tuy nhiên, các đô thị Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Xu hướng đô thị hóa ở Việt Nam
Quyết định số 445/2009/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước theo hướng bảo đảm phát triển hợp lý các vùng đô thị hóa cơ bản giữa 6 vùng kinh tế-xã hội quốc gia, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị; từ năm 2015 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mạng lưới đô thị.
Mạng lưới đô thị quốc gia được phân theo các cấp bao gồm các đô thị trung tâm cấp quốc gia; các đô thị trung tâm cấp vùng liên tỉnh; các đô thị trung tâm cấp tỉnh; các đô thị trung tâm cấp huyện; các đô thị trung tâm cụm các khu dân cư nông thôn (gọi tắt là đô thị trung tâm cấp khu vực) và các đô thị mới.
Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế. Thành phố trung tâm cấp vùng như Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ.
Các thành phố, thị xã trung tâm cấp tỉnh, bao gồm 5 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế, 12 đô thị là trung tâm cấp vùng đã kể trên và các thành phố, thị xã tỉnh lỵ khác.
Các đô thị trung tâm cấp huyện, bao gồm các thị trấn huyện lỵ và các thị xã là vùng trung tâm chuyên ngành của tỉnh và các đô thị trung tâm cấp tiểu vùng, bao gồm các thị trấn là trung tâm các cụm khu dân cư nông thôn hoặc là các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong các vùng ảnh hưởng của đô thị lớn, cực lớn.
Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế, xã hội quốc gia là, vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh là Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình và Phú Thọ.
Vùng Đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh, thành phố là Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Các đô thị lớn, đô thị cực lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ… được tổ chức phát triển theo mô hình chùm đô thị, đô thị đối trọng hoặc đô thị vệ tinh có vành đai bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái. Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Thành phố Hồ Chí Minh là các vùng đô thị lớn, là các đô thị trung tâm.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, đến năm 2020, toàn quốc có 862 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 87 đô thị loại IV và 672 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020.
Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đô thị hóa có thể tạo ra những thách thức, hệ lụy lớn cho phát triển bền vững nếu không có quy hoạch khoa học cũng như tầm nhìn xa và rộng.
Việc đô thị hóa diễn ra với quy mô ngày càng nhanh chóng đã làm gia tăng ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp không được xử lý, hệ thống thoát nước không được tốt.
Thêm vào đó, ô nhiễm không khí cũng ngày càng tăng gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam còn đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu.
Bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều đô thị có nguy cơ ngập cao.
Biến đổi khí hậu gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị miền núi và Tây Nguyên với các đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng, trong đó có một số đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, 10 năm qua, đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam có bước phát triển nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và đạt nhiều mục tiêu đề ra.
Các đô thị được phân bố đồng đều tạo động lực hạt nhân cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên đô thị hóa và phát triển đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế như nguy cơ mất cân đối về phát triển giữa đô thị và nông thôn, hạ tầng quá tải, kết nối chưa đồng bộ.
Tác động của biến đổi khí hậu
Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992, biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người gây ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và do sự biến động tự nhiên của khí hậu.
Sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển dâng thường được coi là hai biểu hiện chính của biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thực tế rà soát theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh.
Trong số đó một số tỉnh, thành phố bị ngập nặng phải kể đến là thành phố Hải Phòng (5-10% diện tích bị ngập), tỉnh Thái Bình (50-60% diện tích bị ngập), tỉnh Nam Định (30-40% diện tích bị ngập), Thành phố Hồ Chí Minh (20% diện tích bị ngập), tỉnh Kiên Giang (80% diện tích bị ngập), tỉnh Hậu Giang (80% diện tích bị ngập), thành phố Cần Thơ (5-10% diện tích bị ngập), tỉnh Bạc Liêu (40-50% diện tích bị ngập), tỉnh Sóc Trăng (25-30% diện tích bị ngập), tỉnh Cà Mau (40-50% diện tích bị ngập).
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường.
Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Phát triển đô thị khiến cho các đô thị được cải tạo xây dựng mới nhiều dẫn đến tăng nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn, bão và triều cường.
Đặc biệt mối hiểm họa càng gia tăng khi các Quy hoạch: quốc gia, vùng, đô thị chưa có nội dung hoặc chưa có các phương án tính toán về rủi ro đã cập nhật với tình hình mới của biến đổi khí hậu.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các đô thị Việt Nam đều cũ, yếu và thiếu đồng bộ. Hệ thống nhà ở và các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, nhà hát, các công sở, xí nghiệp công nghiệp, hệ thống đê điều, cửa xả… đã và đang được xây dựng, thiết kế với các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, tần suất lịch sử cũ, chưa cập nhật kịp thời với tình hình biến đổi khí hậu gia tăng nghiêm trọng gần đây.
Năm 2020 cũng là năm biến đổi khí hậu trên toàn cầu có những dấu hiệu ngày càng phức tạp, khó dự báo với các mức nhiệt độ cực đoan mới xuất hiện trên đất liền, trên biển và đặc biệt ở Bắc Cực.
Sự biến mất của các con sông băng, cháy rừng, số lượng kỷ lục các cơn bão, lũ lụt ở các khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Việt Nam cũng không ngoại lệ với 8 cơn bão đổ bộ vào đất liền trong 5 tuần. Các tỉnh ven biển miền Trung đã phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái cho biết, tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, song tại các đô thị Việt Nam hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.
Cụ thể như mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng, có nguy cơ rơi vào mô hình tăng trưởng thiếu bền vững; phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí, tình trạng ô nhiễm môi trường phổ biến ở các đô thị lớn; đầu tư cho các vấn đề cấp bách về hạ tầng kỹ thuật chưa được các đô thị ưu tiên giải quyết triệt để, đồng bộ dẫn đến các hệ quả về lâu dài.
Hiện nay, đô thị đang gặp nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu gây nên tình trạng ngập lụt ở các đô thị, ùn tắc giao thông và những yêu cầu về quản lý rác thải, nước thải…
Do đó có thể thấy, nguyên nhân của biến đổi khí hậu chủ yếu do hoạt động phát triển của con người gây nên là chủ yếu, trong đó khu vực đô thị tập trung nhiều hoạt động nhất.
Phát triển kinh tế và đô thị hóa thường song hành với nhau, cùng với đó là việc phát thải khí nhà kính (nguyên nhân của biến đổi khí hậu) do hầu hết các hoạt động kinh tế tập trung tại khu vực đô thị.
Các quốc gia phát triển đã phát thải lượng khí nhà kính lớn hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế các quốc gia đang và kém phát triển lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.