Ngày 6/4, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Người dân di chuyển trên cầu Quang Trung, Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Tại buổi làm việc, đại diện ADB đã đề xuất thực hiện dự án thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng tại thành phố Cần Thơ (SEECP Cần Thơ) với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.560 tỷ đồng (khoảng 67,29 triệu USD).
Chuyên gia của ADB cho biết, đề xuất dự án được xây dựng dựa trên kết quả cuộc họp với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vào cuối tháng 10/2020 và các chuyến công tác tiếp theo do tư vấn ADB thực hiện, để kiểm toán năng lượng đối với hai tòa nhà công và năm tuyến chiếu sáng đường phố của Cần Thơ.
Số vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.560 tỷ đồng dùng để phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng với đèn LED và công nghệ thông minh trong chiếu sáng công cộng và các tòa nhà công cộng.
Việc này nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, cải thiện lợi ích kinh tế-xã hội như an toàn công cộng, cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiện nghi và phúc lợi được cải thiện…
Đặc biệt là 19 tòa nhà cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng nằm trong dự án này có thể được hiện đại hóa, với nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau và có thể góp phần cải thiện chuỗi cung ứng hệ thống lạnh phục vụ tiêm chủng COVID-19.
Ông Âu Minh Tuân, chuyên viên cao cấp về phát triển dự án năng lượng của ADB cho biết, hiện ADB đang giới thiệu dự án tại 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Cần Thơ.
Theo ông Tuân, đối với SEECP Cần Thơ, ADB đề xuất hai hợp phần dự án, bao gồm hợp phần một là chiếu sáng thông minh và hợp phần hai là tòa nhà thông minh; trong đó, hợp phần chiếu sáng thông minh phần này sẽ thực hiện cải tạo 30.579 bóng đèn đường hiện hữu bằng đèn Led; thay thế 747 tủ điện/bảng điều khiển cũ bằng trung tâm điều khiển tích hợp các tính năng thông minh; 381 cột đèn thông minh.
Hợp phần hai-toà nhà thông minh sẽ thực hiện cải tạo 50 toà nhà công cộng ở Cần Thơ có công suất phụ tải kết nối lớn hơn 600 kW, bao gồm bệnh viện, trường học, văn phòng dựa trên kế hoạch hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Cần Thơ… Vốn đầu tư dự kiến của hợp phần một gần 1.279 tỷ đồng còn hợp phần hai là 282 tỷ đồng.
Theo dự thảo đề xuất dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ quản còn Sở Xây dựng sẽ là chủ dự án. Dự án do ABD đề xuất và đồng tài trợ là Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Trong đó, ADB sẽ là cơ quan quản lý các nguồn tài trợ của GCF trong dự án này.
Về dự kiến thời gian thực hiện, dự án này được chuẩn bị từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2022 và giai đoạn 1 thực hiện dự án bao gồm mua sắm và xây dựng, bắt đầu từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2025.
Về nguồn vốn đầu tư, bao gồm từ ba nguồn là ADB, GCF và vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ. ADB sẽ là cơ quan quản lý nguồn tài trợ của GCF trong dự án này.
Đối với khoản vay ODA (vay ODA của ADB và GCF), Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ là đơn vị vay vốn, chủ dự án. Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ ký các hiệp định vay và sử dụng tài trợ từ ADB và GCF và cho Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vay lại để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Khoản hỗ trợ kỹ thuật của ADB sẽ tài trợ cho việc nghiên cứu kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện và nâng cao năng lực.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ ghi nhận các đề xuất về dự án SEECP Cần Thơ của các nhà tư vấn và cho biết Cần Thơ sẽ tổ chức cuộc họp xem xét cụ thể từng hợp phần trong dự án cũng như việc bố trí nguồn vốn, sau đó sẽ thông báo lại cho ADB.
Ông Hồng cũng giao Sở Xây dựng làm đầu mối tổng hợp ý kiến của các sở, ngành có liên quan, dựa trên hai hợp phần mà đơn vị tư vấn đề xuất, về nhu cầu vốn…để báo cáo cho lãnh đạo thành phố xem xét./.