Phú Yên cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới đô thị số, xã hội số. Đặc biệt làm tốt công tác dân vận chính quyền trong việc thực hiện các dự án.
Năm 2020 dù bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 3,69% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 3,8%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4%; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.217,7 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông - lâm - tăng 1,7% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh tuy chưa được cải thiện như các tỉnh khác nhưng những năm gần đây đều có xu hướng tăng bậc. Công tác văn hóa xã hội được chú trọng các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,54%, mức giảm đạt 1,39%/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cần nhìn nhận nghiêm túc những bất cập, tồn tại thời gian qua: Hầu hết các chỉ số của Tỉnh (chỉ số năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính) đều ở mức độ thấp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, nhiều dự án xử lý còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tiến độ xây dựng của nhiều công trình, dự án quan trọng còn chậm; cải cách hành chính nhà nước tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phú Yên cần tập trung khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, cùng cả nước tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép”; đồng thời phát huy các tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa cơ hội phát triển.
Thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu.
Đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế, để triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Tiếp tục trồng và bảo vệ rừng, triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh một cách thực chất, sáng tạo, hiệu quả, bền vững, không phô trương, hình thức theo hướng huy động tối đa nguồn lực xã hội. Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh (chỉ số năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính…), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt kế hoạch số lượng doanh nghiệp thành lập mới; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới đô thị số, xã hội số. Đặc biệt làm tốt công tác dân vận chính quyền trong việc thực hiện các dự án.