Một góc TPHCM trong một bức ảnh được chụp bằng flycam
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xuất hiện một số khó khăn khác trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn nổi lên là một địa phương phát triển năng động, sáng tạo và có đóng góp quan trọng cho cả nước. GRDP năm 2020 của Thành phố tăng 1,39% so với năm 2019, các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 44 tỷ USD, tăng 4%, trong đó Khu công nghệ cao TPHCM có đóng góp lớn, giá trị xuất khẩu đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 20,15%. TPHCM tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước.
Năm 2021, mặc dù Thành phố vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn Thành phố trong những ngày giáp Tết âm lịch, song Thành phố cũng đang đứng trước những vận hội, thời cơ và động lực mới cho việc khởi đầu một giai đoạn phát triển mới.
Thứ nhất, Đại hội đại biểu đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã thông qua Nghị quyết, đến năm 2025 TPHCM đạt mục tiêu là “đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Mục tiêu phát triển này, không chỉ thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, mà còn là khát vọng và các giá trị bền vững đã được lãnh đạo và người dân Thành phố tạo dựng qua các thế hệ. Đây chính là động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển của TPHCM trong thời gian tới.
Thứ hai, với quyết tâm tạo nên bước chuyển mới cho sự phát triển của TPHCM, lãnh đạo Thành phố đã đề xuất 4 đề án, đó là: Đề án đề xuất tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại từ 18% giai đoạn 2017-2020, tăng lên 24% trong giai đoạn 2021-2025; Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức; Đề án chính quyền đô thị nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả; và Đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Thực hiện được các đề án này, sẽ tạo ra động lực mới hết sức to lớn, để Thành phố tiếp tục phát triển và có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước.
Thứ ba, sự ra đời của Thành phố Thủ Đức vào đầu năm 2021, một mô hình mới “thành phố trong Thành phố” sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của TPHCM. Khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lực về đào tạo và tiềm năng KHCN, thuận lợi về giao thông (đường bộ, đường hàng không, đường biển) và lợi thế về mô hình quản lý hành chính mới, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là cực tăng trưởng mới, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm dịch vụ KHCN, trung tâm tài chính không chỉ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn của cả khu vực Đông Nam Á.
Thứ tư, một lợi thế vốn có của TPHCM, nhưng chưa được đánh giá và đầu tư phát triển đúng mức, là năng lực và tiềm năng về phát triển dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Có thể nói, với tiềm lực về con người (đội ngũ y bác sĩ), hệ thống bệnh viện được trang bị hiện đại và khả năng kết nối với các trung tâm y tế hàng đầu trên thể giới như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, ngành dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của Thành phố hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của khu vực Đông Nam Á. Nếu được nhận thức và đầu tư đúng mức, ngành dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của Thành phố, không những đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế cho cả nước, mà còn tăng nguồn thu, thu hút khách du lịch quốc tế có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tăng vị thế và uy tín quốc tế cho Thành phố.
Thứ năm, chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của TPHCM trong nhiều thập kỷ qua, chính là sự năng động, sáng tạo và quả cảm của khu vực kinh tế tư nhân. Có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân luôn là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển kinh tế TPHCM. Phát huy sức sáng tạo và năng động của khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số, chắc chắn khu vực kinh tế tư nhân sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng và phát triển của Thành phố và cả nước.
Thứ sáu, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò “nhà nước kiến tạo’ không phải là mệnh lệnh hành chính, can thiệp trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, mà là tạo môi trường thuận lợi, kiến tạo các điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Đây chính là thế mạnh và là truyền thống của lãnh đạo TPHCM, tạo động lực to lớn để kinh tế Thành phố phát triển năng động và hiệu quả. Trong chặng đường phát triển mới, truyền thống này cũng sẽ là nội lực hết sức quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Thành phố.
Thứ bảy, sức mạnh và thế trận lòng dân bao giờ cũng là nhân tố quyết định cho sự thành bại của bất cứ quốc gia dân tộc nào. Đây cũng là thế mạnh của TPHCM nói riêng và của Việt Nam nói chung. Các quyết sách khoa học, vì dân, hợp lòng dân, luôn là động lực và có khả năng huy động nguồn lực to lớn cho mục tiêu phát triển.
Có thể nói, năm 2021, mặc dù còn khá nhiều khó khăn thách thức khó tránh khỏi trên chặng đường phát triển, song có thể khẳng định, đây sẽ là năm khởi đầu cho sự phát triển mới của TPHCM. Nhận diện, khai thác được các nguồn lực và động lực mới, sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành công của Thành phố trong năm 2021 và các năm tiếp theo.