Thừa Thiên Huế: Phát triển đô thị - cơ sở để đột phá, nâng tầm

Thứ sáu, 05/02/2021 11:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

“Kế thừa những nền tảng đã đạt được, ưu tiên đầu tư phát triển đô thị, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững, bứt phá trên các lĩnh vực…” là hướng đi mà TX. Hương Thủy thực hiện để trở thành trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát triển đô thị và hệ thống giao thông đối ngoại, kết nối với TP. Huế và các địa phương trong tỉnh là những ưu tiên của Hương Thủy

Nền tảng vững chắc

Những năm qua, TX. Hương Thủy đã dành nguồn lực khá lớn từ ngân sách địa phương để đầu tư, phát triển một số kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, giáo dục & đào tạo, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, thực hiện tốt quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”...

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và các quy hoạch khác đã được phê duyệt, Hương Thủy tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa phương làm cơ sở quản lý, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH như quy hoạch phân khu các phường: Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Phú Bài, các khu dân cư, tái định cư...

Bên cạnh đó, việc tập trung nguồn lực và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Hệ thống giao thông được đầu tư, mở rộng, chỉnh trang, nâng cấp với nhiều dự án (DA) quan trọng như: chỉnh trang, mở rộng Quốc lộ 1A, cầu vượt Thủy Phù; Nhà gia T2- Cảng HKQT Phú Bài, cao tốc Cam Lộ-La Sơn; mở rộng, nâng cấp đường Trưng Nữ Vương, Khúc Thừa Dụ, Phùng Quán...; tuyến đường trung tâm các xã: Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Phù, Thủy Bằng... đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị Hương Thủy.

Từ nền tảng này, giai đoạn 2020 - 2025, Hương Thủy tiếp tục xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển KT-XH. Trong đó, phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân từ 12,5 - 14%/ năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 17%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 13 - 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 90 triệu đồng trở lên. Các xã Thủy Vân, Thủy Thanh, Thủy Phủ trở thành phường, có 2 - 3 phường đạt tiêu chí phường văn minh đô thị; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%; trên 80% lao động phi nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn dưới 2%...

Để đạt được những chỉ tiêu cơ bản đó, Hương Thủy đã đề ra 5 chương trình trọng điểm trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, gồm: chỉnh trang, xây dựng, phát triển đô thị và xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ - du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử.

Ưu tiên phát triển đô thị

Trong hành trình “nâng cấp” của mình, Hương Thủy đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%, thị xã trở thành đô thị loại III và là một trong những trung tâm kinh tế và đô thị động lực của tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Xác định 2021 là năm đầu triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2020 – 2025. Kết quả đạt được sẽ tạo tiền đề và là động lực quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH của cả giai đoạn nên Hương Thủy đã và đang từng bước tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng hiện đại, lập quy hoạch đô thị toàn thị xã, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở quản lý và triển khai các DA phát triển KT-XH. Phối hợp thực hiện các DA, trọng điểm để bổ sung các chỉ tiêu về hạ tầng đô thị và tạo bộ khung chính giao thông nội thị...

Song song đó, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư các DA hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư, tái định cư theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh về hạ tầng để đấu giá thu ngân sách và phục vụ tái định cư, như khu dân cư tiếp giáp khu đô thị Đông Nam Thủy An – P. Thủy Dương; hạ tầng kỹ thuật khu Hói Sai Thượng, khu trung tâm xã Thủy Thanh; các khu đất trong khu đô thị mới An Vân Dương và các khu xen ghép các phường, xã...

Để tạo bước đột phá trong các nhiệm vụ trên, Hương Thủy xác định thực hiện tốt các cơ chế chính sách của tỉnh, các chính sách ưu đãi, đặc thù đối với doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, minh bạch hóa các thông tin về quy hoạch sử dụng đất; phát triển hệ thống giao thông đối ngoại, kết nối thị xã với TP. Huế và các địa phương trong tỉnh, đầu tư mở rộng, nâng cấp các trục chính nội thị, các tuyến đường liên phường, xã và các trục đường ngang giao cắt với Quốc lộ 1A để tạo trục chính giao thông đô thị…

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)