Phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển đô thị là chiến lược được Vĩnh Phúc xác định và kiên trì thực hiện từ khi tái lập tỉnh đến nay. Với sự đoàn kết, quyết tâm cùng cơ chế, chính sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, từ một tỉnh thuần nông Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển bậc nhất của cả nước, trung tâm công nghiệp của miền Bắc; đi cùng với kinh tế, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương đang dần hiện hữu.
Một góc thành phố Vĩnh Yên.
Để từng bước xây dựng, hoàn thiện đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống nhân dân và xứng tầm là một trong những địa phương phát triển bậc nhất ở miền Bắc như lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm Vĩnh Phúc năm 1963, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch.
Trong đó, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch tổng thể để đảm bảo tính đồng bộ, cũng như hiệu quả thu hút và triển khai các dự án đầu tư; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, chương trình, kế hoạch liên quan; đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn như: Các tuyến giao thông trục chính, hệ thống cấp nước, nhà máy xử lý rác thải, hệ thống điện, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin…
Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị và nhân dân về hoàn thiện hạ tầng đô thị.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng đầu tư hạ tầng đô thị.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp… tạo nguồn lực phát triển bền vững.
Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa. Phân bổ và sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công hợp lý trong từng giai đoạn, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung để dành nguồn vốn cho các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo “đòn bẩy” để thu hút các nguồn vốn khác.
Trong giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã bố trí hơn 8.300 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công để triển khai các dự án kết cấu hạ tầng đô thị.
Các nguồn ngân sách tỉnh khác như tăng thu, tiết kiệm chi; cải cách tiền lương; sự nghiệp có tính chất đầu tư; đất thương phẩm và các khu đất công có giá trị… đã cân đối đầu tư cho các dự án lớn, quan trọng với tổng số vốn gần 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn vay ODA, vốn xã hội hóa đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP…
Đặc biệt là vốn từ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án khu công nghiệp và các dự án kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án trong giai đoạn 2017-2020 (cả nguồn vốn FDI và DDI) đạt gần 33 nghìn tỷ đồng.
Nhờ vậy đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt khoảng 60 điểm trên thang điểm 100 về phân loại đô thị loại I theo Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện.
Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư hoàn thiện với 64 dự án lớn, gồm 47 dự án hạ tầng kỹ thuật; 15 dự án hạ tầng xã hội và 2 dự án kiến trúc cảnh quan.
Trong đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như: Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc; khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; nâng cấp, sửa chữa hạ tầng các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; cầu Đầm Vạc; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B…
Cơ sở hạ tầng đô thị từng bước được hoàn thiện, thành phố Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống đang dần hiện hữu.