Muốn bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường đô thị trước hết đô thị đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn về quản lý, xử lý rác thải, khí thải, nước thải. Tiếp đến là hình thành những không gian, hạ tầng... đạt các tiêu chí mà đô thị được công nhận.
Hình thành những đô thị hình mẫu về cảnh quan môi trường góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương
Để “xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, việc xây dựng và bảo tồn các hình mẫu đô thị xanh, bền vững là tất yếu.
Trong đó, phát triển đô thị bền vững bao gồm cơ sở hạ tầng và thích ứng với biến đổi khí hậu đang là ưu tiên hàng đầu trong tiến trình xây dựng và phát triển đô thị Huế. Theo xu hướng này, đô thị xanh được phát triển theo các yếu tố cơ bản là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, cân bằng các giá trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thừa Thiên Huế đã đề ra tiêu chí lựa chọn đầu tư mang tính “không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế”. Theo đó, nhiều dự án đầu tư có ảnh hưởng đến môi trường đã được đưa ra khỏi danh sách và ưu tiên xúc tiến đầu tư, hợp tác về các lĩnh vực, như: du lịch nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá, sinh thái, hội nghị; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hạ tầng khu đô thị, khu công nghệ cao; y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo… Ngoài ra, quan điểm của tỉnh trong phát triển công nghiệp phải theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Trong đó, khuyến khích, vận động đầu tư vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến sâu, các lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, điện tử, vật liệu mới, các ngành có lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ “sạch”, hiện đại, tạo nhiều việc làm mới.
Để tạo bộ mặt cảnh quan cho đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-sáng, nhiều hệ thống hạ tầng trên một số trục đường chính, đường đến các điểm di tích được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị; xây dựng, nâng cấp một số cầu, đường giao thông chính trên địa bàn. Hệ thống cây xanh cũng đang được quy hoạch lại để phát triển có hệ thống và tăng mật độ cây xanh ở khu vực đô thị...
Để hình thành một đô thị giàu cảnh quan, thân thiện và đầy đủ hạ tầng đáp ứng chất lượng cuộc sống, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra. Tuy nhiên, nhìn lại một số đánh giá kết quả hoạt động, không phải mục tiêu, chỉ tiêu nào cũng hoàn thành đúng kế hoạch. Chẳng hạn, các chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh: “Đến năm 2020 có 95% các khu đô thị, 70% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt chuẩn quy định; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường...”. Tuy nhiên, dù đã qua năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt như yêu cầu. Điều này đồng nghĩa, muốn có những đô thị hạt nhân hay đô thị vệ tinh để làm hình mẫu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh đòi hỏi ý thức, sự chung tay của người dân và các nguồn lực đầu tư tài chính mạnh, hợp lý.