Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Hồng chỉ đạo Ban Quản lý dự án ODA và các sở, ngành tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của độ thị với tinh thần quyết tâm cao, tập trung phối hợp tốt để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu của dự án; sớm bố trí nơi an cư cho những hộ cần phải di dời do ảnh hưởng.
Lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đi thực tế kiểm tra tiến độ đường nối Cách Mạng Tháng Tám với Đường tỉnh 918 thuộc dự án 3.
Vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án ODA, các sở, ngành có liên quan và UBND các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng về tiến độ thực hiện một số gói thầu thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là Dự án 3).
Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố Cần Thơ. Bên cạnh việc góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển, dự án còn phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý các rủi ro về thiên tai. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7.843 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại từ Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) và vốn đối ứng của thành phố. Thời gian thực hiện từ 2016 - 2022.
Theo Ban Quản lý dự án ODA, đến nay đã tổ chức trao thầu có 31/46 gói thầu của dự án (bao gồm 18 gói thầu xây lắp, 10 gói thầu tư vấn, 1 gói thầu phi tư vấn và 2 gói thầu mua sắm). Dự kiến, trong quý I/2021 sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu 2 gói thầu (Âu thuyền Cái Khế và Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm Ninh Kiều); các gói thầu còn lại sẽ tập trung hoàn thiện thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán và sẽ bắt đầu triển khai công tác lựa chọn nhà thầu khi có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, có 6 gói thầu dự kiến tạm hoãn đầu tư trong dự án, với giá trị 583 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng vốn vay của dự án.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, phát biểu tại buổi làm việc.
Cũng theo Ban Quản lý dự án ODA, trong năm 2020 đơn vị đã tập trung điều chỉnh thiết kế cơ sở của các gói thầu như: các gói thầu thuộc tuyến Kè sông Cần Thơ, Kè Cái Sơn - Mương Khai, các âu thuyền và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều. Hiện nay, các gói thầu nêu trên đã được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở và Ban Quản lý dự án ODA đã hoàn chỉnh thiết kế chi tiết, hoàn thiện thủ tục còn lại để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tiến độ thực hiện và cam kết giải ngân hết số vốn còn lại theo kế hoạch vốn của dự án.
Đối với các hoạt động sử dụng vốn đối ứng, đến thời điểm hiện nay tổng nhu cầu vốn đối ứng để thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn dự án khoảng 5.964 tỷ đồng, vượt dự toán so với dự án được duyệt. Nguyên nhân là do đơn giá bồi thường thường đất tăng nhiều và số hộ bị ảnh hưởng thực tế cũng tăng; ngoài ra, chế độ chính sách, hỗ trợ và tái định cư thay đổi theo hướng tăng lợi ích cho đối tượng bị ảnh hưởng, từ đó làm tăng giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại thời điểm thực hiện...
Liên quan đến công tác điều chỉnh, tái cơ cấu dự án, Ban Quản lý dự án ODA cho biết đã rà soát thiết kế các hạng mục còn lại của dự án và lập các phương án điều chỉnh phù hợp. Hiện Ban Quản lý dự án ODA đang gấp rút thực hiện các thủ tục để huy động tư vấn điều chỉnh dự án và đã trình Sở Xây dựng thẩm định đề cương nhiệm vụ và dự toán tư vấn điều chỉnh dự án để trình UBND thành phố phê duyệt.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Hồng chỉ đạo Ban Quản lý dự án ODA và các sở, ngành tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án 3 với tinh thần quyết tâm cao, tập trung phối hợp tốt để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu của dự án; sớm bố trí nơi an cư cho những hộ cần phải di dời do ảnh hưởng bởi dự án; phấn đấu đến cuối tháng 1/2021 phải thông xe kỹ thuật đường Trần Hoàng Na. Đối với việc điều chỉnh dự án và những hạng mục cần thiết, ông Hồng đề nghị các sở ngành liên quan khẩn trương rà soát, thẩm định thật kỹ để trình thường trực UBND thành phố xem xét.
Trước đó sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành có liên quan đã đi thực tế kiểm tra tiến độ và chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc tại một số công trình thuộc Dự án 3 như: Đường nối Cách Mạng Tháng Tám với Đường tỉnh 918 và các cống triều trên tuyến, Khu tái định cư An Bình giai đoạn 1 và đường Trần Hoàng Na.