Một góc thành phố Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn
Động lực phát triển nhanh, bền vững
Năm 2012 được tỉnh xác định là năm quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển để thực hiện đồng bộ các quy hoạch sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Quảng Ninh đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép mời gọi, lựa chọn các nhà tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới để xây dựng đồng bộ các quy hoạch. Do đó, tính đồng bộ được thể hiện rõ từ việc xây dựng tất cả các quy hoạch.
Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh là bản quy hoạch mang tính định hướng, tính đề dẫn, dẫn dắt tất cả các quy hoạch khác, xây dựng đồng thời sau khi có Quy hoạch tổng thể. Tất cả các quy hoạch chiến lược của tỉnh đều được triển khai một cách đồng bộ, được lồng ghép, khớp nối trong một tổng thể, với 3 trụ cột: Công nghiệp sạch, công nghệ cao - Dịch vụ tổng hợp hiện đại - Nông nghiệp xanh và kinh tế biển.
Khi xây dựng các bản quy hoạch quan trọng này, tỉnh đặc biệt chú trọng đến tính hệ thống từ trung ương đến địa phương; đảm bảo tính hệ thống từ quy hoạch quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch các địa phương, ngành, lĩnh vực trong dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, như: Quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch vùng tỉnh, du lịch, môi trường, sử dụng đất, KHCN và nguồn nhân lực…
Năm 2014, Quảng Ninh công bố tập trung triển khai lập 7 quy hoạch quan trọng cấp tỉnh, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH; Quy hoạch vùng tỉnh; Quy hoạch phát triển du lịch; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; Quy hoạch phát triển KHCN; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch bảo vệ môi trường. Đây cũng là nền tảng cho việc định hướng thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh, Quảng Ninh đã sớm xác định được tổ chức không gian lãnh thổ cần thực hiện là “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, nhằm đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, tập trung phát triển vùng đô thị trung tâm Hạ Long là vùng đô thị trung tâm gắn kết bốn tiểu vùng đô thị vệ tinh; phát triển hai vành đai xuyên suốt từ Tây sang Đông gồm: Vành đai phát triển công nghiệp - đô thị, vành đai cảnh quan và du lịch biển.
Đầu năm 2020, tỉnh sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, ưu tiên dành nguồn lực triển khai các dự án kết nối như cầu Cửa Lục 1, 2, 3, đường nối KCN Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, để tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết hai vùng Nam - Bắc thành phố. Việc sáp nhập địa giới hành chính, mở rộng không gian đô thị Hạ Long đã giải quyết kịp thời được khó khăn về dư địa, không gian phát triển, quỹ đất khả dụng của TP Hạ Long trước đó vốn đã khá chật hẹp, tạo nên làn sóng đầu tư mới đổ về Hạ Long để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Người dân TP Hạ Long nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch TP Hạ Long đến 2040, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Minh Hà
Gần một thập kỷ nhìn lại, Quảng Ninh đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập, công bố và phát huy hiệu quả. Các quy hoạch không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển, là công cụ của công tác quản lý nhà nước, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển KT-XH, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, mà còn là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian đã được thành hình. Đến nay, toàn tỉnh tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 56,6%, quy hoạch chi tiết xây dựng đạt 56,9%, quy hoạch nông thôn mới đạt 100%; có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Các dự án đầu tư, nhà đầu tư vào Quảng Ninh đều là những tập đoàn lớn trong nước và thế giới, như Amata, Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port...
Sẵn sàng cho những đột phá mới
Dù đạt nhiều thành tựu, nhưng Quảng Ninh nhìn nhận vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là sự đóng góp vào thành quả chung của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà tỉnh đang sở hữu. Tăng trưởng trong du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo còn rất nhiều dư địa. Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực sự đột phá. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh… Những hạn chế này đặt ra cho Quảng Ninh nhiệm vụ phải tiếp tục có những đột phá mới vượt qua những giới hạn để có bứt phá trong thập niên tiếp theo.
Tại Kỳ họp 21 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2020 của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn phát biểu nhấn mạnh: Công tác quy hoạch đóng vai trò then chốt, bởi có quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, mới thu hút các nguồn lực đầu tư, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. Năm 2021 Quảng Ninh sẽ tập trung hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung điều chỉnh TP Hạ Long; đồ án quy hoạch chung xây dựng Vùng than; đồng thời hoàn thành lập và tổ chức triển khai Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Chậm nhất hết năm 2021 phải hoàn thành việc lập điều chỉnh các quy hoạch liên quan đối với các KKT, KCN hiện nay...
Phối cảnh Đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Song song với quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ KT-XH đặt ra những năm tiếp theo, Quảng Ninh đang khẩn trương xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở kế thừa tiếp thu các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh. Quy hoạch này sẽ được thực hiện dựa theo 4 nguyên tắc, 9 nội dung, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, hình thành chuỗi đô thị hiện đại. Đồng thời, là động lực phát triển KT-XH, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước… Đến năm 2045, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn tầm khu vực và quốc tế, phát triển văn minh, hiện đại và có bản sắc, đô thị xanh, thông minh.
Xây dựng và triển khai các quy hoạch chiến lược trong mối liên kết chặt chẽ, đồng bộ với nhau sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai thành công 3 đột phá chiến lược, đáp ứng mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, tạo động lực cho phát triển của các vùng lân cận và thúc đẩy hội nhập quốc tế...