Nhiều khu đô thị mới hiện đại được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố
Với vị trí và tiềm năng sẵn có, thành phố Phúc Yên được xác định là trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và vùng thủ đô; trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch – nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được hình thành như: Khu đô thị Đồng Sơn, khu đô thị Xuân Hòa, Hùng Vương – Tiền Châu, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải, khu nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Xuân.
Nhờ thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh tế Phúc Yên tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong nhiều năm, Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của thành phố chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, thành phố là địa phương có số thu ngân sách lớn, đóng góp 70-80% tổng thu ngân sách của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 95%, dịch vụ 4,5%, nông nghiệp chiếm 0,5%. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế thành phố có sự suy giảm so với năm trước, đặc biệt là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế trong nước duy trì sự ổn định, tổng giá trị sản xuất tăng hơn 2%. Ảnh hưởng lớn nhất là lĩnh vực công nghiệp; dịch vụ và nông nghiệp tăng nhẹ so với năm 2019. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 922 tỷ đồng, vượt 51% dự toán và bằng 150% so cùng kỳ năm trước.
Phúc Yên đã hình thành đô thị khá sớm và có nền tảng từ những thập niên trước. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, xác định nằm trong khu vực lõi của đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai, Phúc Yên đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, văn minh. Hệ thống giao thông được đầu tư hoàn thiện; hệ thống điện được cải tạo, nâng cấp; hệ thống cấp thoát nước được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng sự phát triển ổn định, lâu dài của thành phố. Các công trình công cộng như quảng trường, công viên… được cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.
Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thành phố đã dành khoảng 100 tỷ đồng triển khai 20 dự án chỉnh trang đô thị, trong đó có 12 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 8 dự án giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, quan tâm xây dựng không gian công cộng đô thị phục vụ sinh hoạt cho nhân dân: Khu quảng trường 31/10, sân vận động thành phố, nhà hát nhân dân, nhà thi đấu thể thao, nhà thiếu nhi thành phố… Đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục – đào tạo, trung bình mỗi năm, địa phương dành khoảng 30% tổng chi ngân sách để đầu tư, xây mới, cải tạo, sửa chữa các dự án thuộc lĩnh vực này.
Các khu đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu thực hiện xây dựng đạt 70% hạ tầng kỹ thuật, mật độ xây dựng nhà ở đạt 30%. Khu đô thị TMS Land - Hùng Vương đã xây dựng 150 căn hộ liền kề và hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 40%. Khu đô thị Nam Phúc Yên đang hoàn thành cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, 4 dự án khu đô thị đang được tiếp tục triển khai là: Khu đô thị Đầm Diệu với diện tích 65 ha; Hùng Vương - Tiền Châu, tổng diện tích 70 ha; khu đô thị mới Tiền Châu có diện tích 27 ha và khu đô thị mới 2 với diện tích 35 ha.
Hướng đến phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thành phố tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hệ thống cấp nước sạch được quan tâm đầu tư đồng bộ, tổng công suất đạt 29.000m3/ngày, đêm, bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Riêng lượng nước sạch cấp cho khu vực nội thị đạt 100%; nước sinh hoạt đạt 127 lít/người/ngày đêm. Một số dự án cấp nước khác đang được quan tâm đầu tư. Hệ thống cấp điện bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân; 158 tuyến đường và các khu vực công cộng được chiếu sáng, đèn trang trí tại các giao lộ chính đã và đang được triển khai, góp phần tạo cảnh quan chung cho đô thị. Hệ thống mạng truyền dẫn, thông tin di động, dịch vụ internet được cung ứng đầy đủ, với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, hội thảo, hội nghị trực tuyến, học tập, giải trí, làm việc của nhân dân.
Cùng với đó, thành phố đã chỉ đạo triển khai Đề án tổng thể công tác bảo vệ môi trường gắn với Đề án phát triển thành phố giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong 5 năm, thành phố đã dành hơn 103,9 tỷ đồng cho công tác vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý hơn 138.400 tấn rác thải sinh hoạt, đạt 95%; ban hành và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Theo đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Để hướng tới phát triển thành phố văn minh, hiện đại, Phúc Yên đang có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành thương mại và các khu đô thị. Đồng thời, xây dựng thành phố xanh, thông minh và bền vững, là điểm đến thân thiện, an toàn, có môi trường cảnh quan, mặt nước hấp dẫn, hạ tầng đô thị hiện đại, lối sống thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, Phúc Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II.
Để đạt mục tiêu này, trước mắt, năm 2021, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế; hoàn thành Đề án quy hoạch thành phố đến năm 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tập trung làm tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, xây dựng Đề án xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, mang bản sắc riêng của thành phố, mở rộng không gian công cộng, phát triển công viên xanh; lập đề án xây dựng đô thị thông minh xã Ngọc Thanh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, Phúc Yên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, nhất là các dự án lớn, các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu trong năm 2021, tăng trưởng tổng sản phẩm từ 3-5%, thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 700 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho khoảng 2 nghìn lao động, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt 95%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đạt 90%, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt khoảng 97%, tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch đạt khoảng 100%.
Cũng theo đồng chí Đào Anh Dũng, “Thành ủy Phúc Yên đang trình Ban thường vụ Tỉnh ủy Đề án phát triển thành phố giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là quy hoạch rất quan trọng, là bước đột phá để phát triển ngành dịch vụ gắn với phát triển đô thị, từng bước đưa Phúc Yên trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có môi trường thân thiện, xã hội hài hòa, văn hóa phong phú, nhân dân hạnh phúc.”