Hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư đồng bộ hiện đại, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Ảnh: Thế Hùng
Để đạt được mục tiêu này, không chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua mà ngay khi tái lập tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc đã quan tâm đến công tác quy hoạch- xây dựng để triển khai các dự án thuộc hạ tầng khung đô thị.
Đặc biệt, sau khi chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020 được HĐND tỉnh thông qua và ban hành theo Nghị quyết số 91 ngày 16/7/2013, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo; xây dựng các chương trình, kế hoạch thu hút nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương cho các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị; xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc liên doanh 100% vốn nhà đầu tư theo thỏa thuận; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị lồng ghép trong kế hoạch đầu tư công hàng năm.
Theo đó, giai đoạn 2013-2020, tổng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị 12.800 tỷ đồng.
Cụ thể, vốn đầu tư hạ tầng giao thông 7.086 tỷ đồng; hạ tầng cấp nước 900 tỷ đồng; hạ tầng cấp điện 2.477 tỷ đồng; thoát nước và xử lý môi trường 1.687 tỷ đồng; hạ tầng thông tin 649 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh 3.897 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 1.149 tỷ đồng; vốn ODA 4.486 tỷ đồng và nguồn vốn doanh nghiệp 3.267 tỷ đồng.
Trên cơ sở Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phê duyệt 15/15 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000.
Phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 chỉnh trang phát triển đô thị hiện hữu nằm trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện: Bình Xuyên, Tam Dương; thực hiện tốt công tác quy hoạch: Điện lực, xử lý chất thải rắn, thông tin và truyền thống; cấp, thoát nước đô thị Vĩnh Phúc.
Nhờ có sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay, các tuyến đường giao thông đối ngoại liên kết Vĩnh Phúc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh đã được đầu tư; các tuyến đường hướng tâm trên quốc lộ 2, 2B, 2C, đường vành đai 1,2,3 đô thị Vĩnh Phúc, các tuyến đường liên khu vực, đường chính cấp đô thị đã và đang được đầu tư, dần hình thành khung giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Hệ thống cấp nước đô thị hiện nay đáp ứng cơ bản nước sinh hoạt của dân cư đô thị và sản xuất với công suất cấp nước đạt 115.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống đạt khoảng 90%.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải, rác thải từng bước được xây dựng với 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.
Hoàn thành dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên (giai đoạn 1)với công suất 5.000m3/ngày đêm từng bước góp phần xử lý một phần lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1 nhà máy đốt rác, công suất 75 tấn/ngày tại huyện Tam Dương và 1 cơ sở xử lý rác thải công suất 20 tấn/ngày tại huyện Bình Xuyên theo hình thức xã hội hóa; hỗ trợ lắp đặt và đưa vào hoạt động 35 lò đốt rác thải quy mô nhỏ cho các xã, thị trấn trong vùng quy hoạch đô thị bằng nguồn ngân sách tỉnh.
Qua đó, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đạt trên 90%. Hiện, tỉnh đang triển khai giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã: Xuân Hòa (Lập Thạch), Lũng Hòa (Vĩnh Tường) và điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; trong đó mỗi huyện, thành phố có 1 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trong phạm vi địa phương.
Tỉnh còn hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị như Khu công viên quảng trường tỉnh, Nhà hát tỉnh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Chợ Vĩnh Yên, Nhà điều hành nội trú- Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nhà kỹ thuật nghiệp vụ- Bệnh viện Sản Nhi; Khu đào tạo vận động viên.
Nhằm tạo đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc đồng bộ, hiện đại, thời gian tới, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch: Quy hoạch chung 3 đô thị mới loại IV (Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo); Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp.
Xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị trên nền tảng GIS; triển khai điều chỉnh các đồ án Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc.
Xây dựng Đề án chỉnh trang đô thị theo định hướng văn minh, hiện đại, mang bản sắc riêng, mở rộng không gian công cộng, phát triển công viên xanh; Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050; rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai như: dự án đường vành đai 2, 3, 4; đường song song với đường sắt, đường trục Bắc- Nam, đường trục Đông- Tây, quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh.
Triển khai đầu tư các dự án hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc gồm: hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt nhằm tăng tỷ lệ đất giao thông đô thị; các bãi đỗ xe tĩnh, các cầu vượt tại các nút giao thông lớn nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe.
Nâng cấp quốc lộ 2, đoạn Phúc Yên- Vĩnh Yên và đoạn Vĩnh Yên- Việt Trì, cầu qua sông Hồng trên trục đường Bắc- Nam, đường vành đai 5 nhằm tăng cường kết nối giao thông với các tỉnh xung quanh; các dự án về thu gom, xử lý nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường
Cùng với đó, tỉnh triển khai đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc có quy mô lớn, hiện đại tạo điểm nhấn và diện mạo mới cho đô thị.