Mục tiêu của tỉnh Bình Dương là tới năm 2045 sẽ trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Một góc Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí kết nối vùng quan trọng thông qua các tuyến giao thông với các tỉnh như: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Lực lượng người nhập cư đứng đầu cả nước khiến nhu cầu về nhà ở, phát triển đô thị ngày càng tăng cao theo từng năm.
Tỉnh đã đưa ra định hướng quản lý và phát triển bền vững đô thị cho giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Bình Dương năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu, năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 80%, dự kiến năm 2020 đạt 82% sau khi có các đô thị mới thành lập thị trấn như: Tân Thành, Tân Bình, Lai Uyên...
Tỉnh Bình Dương là tỉnh đầu tiên phát triển mô hình khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị có quy mô diện tích lớn, nổi bật là dự án Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương với tổng diện tích 4.196 ha; trong đó, có 1000 ha đất đô thị. Ngoài ra, tỉnh phát triển các dự án khu đô thị giáp các khu công nghiệp như khu đô thị Bàu Bàng, Mỹ Phước 1,2,3....
Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp là xu hướng chuyển dịch dân cư từ các tỉnh thành khác đến Bình Dương khiến gia tăng dân số, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị. Ngoài ra, việc triển khai công tác lập quy hoạch nhiều lúc chưa thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch.
Hơn nữa, chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng chưa cao, tầm nhìn chưa dài hạn, khả năng dự báo về phân bổ dân số, dự báo về phát triển hài hòa giữa khu vực cao tầng và thấp tầng chưa theo kịp tiến độ phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Những hạn chế trên do một số quy định của pháp luật giữa các ngành chưa thống nhất, trách nhiệm phối hợp chưa rõ, chồng chéo, chưa đồng bộ; các văn bản quy định về quản lý xây dựng và phát triển đô thị tuy đã được bổ sung nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức triển khai.
Mặt khác, năng lực của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế một số dự án quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng còn hạn chế. Bên cạnh đó năng lực đơn vị tổ chức thẩm định các đồ án quy hoạch đô thị cũng chưa đạt yêu cầu...
Do vậy, các ngành, địa phương kiến nghị điều chỉnh bổ sung các văn bản pháp luật; kiểm soát chất lượng đơn vị tư vấn lập quy hoạch, tổ chức tốt công tác thẩm định; rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất định hướng tầm nhìn dài hạn trong quá trình tổ chức điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị.
Vì vậy, Sở Xây dựng xác định lộ trình nâng loại cho các đô thị giai đoạn sau 2020 và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình đô thị đáp ứng tiêu chí đô thị tương ứng.
Đặc biệt, thời gian tới, Sở sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền về các chính sách mới về thu hút đầu tư của tỉnh, quảng bá hình ảnh về Bình Dương, tập trung vốn cho quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; tập trung nguồn vốn ngân sách và vốn ODA để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trọng điểm như giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn và hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, trung tâm đào tạo nghề./.