Đề án thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh triển khai tập trung với nhiều dự án quan trọng, như các lĩnh vực trọng điểm: Giáo dục, y tế, giao thông, đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin... Qua 3 năm đẩy mạnh thực hiện triển khai đề án, đến nay đề án đã ghi nhận một số kết quả bước đầu. Dự án đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét, tích cực trong một số lĩnh vực trên địa bàn.
Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 với 32 nhiệm vụ. Dự án dựa theo các tiêu chí quốc tế về “mô hình thành phố thông minh”.
Mục tiêu của đề án lấy người dân làm trung tâm, theo đó người dân vừa là người thụ hưởng, cũng là người đóng góp, xây dựng, phát triển các dịch vụ, thông qua việc sử dụng, phản hồi, cung cấp thông tin cho thành phố thông minh, các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, tạo môi trường, cuộc sống tươi đẹp hơn.
Bệnh viện Bãi Cháy đưa thẻ khám thông minh vào sử dụng đã tạo thuận lợi trong việc đăng ký khám chữa bệnh.
Được triển khai chính thức từ đầu năm 2017 với tổng mức đầu tư trên 306 tỷ đồng, đến nay, 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy và Sản Nhi tỉnh đã và đang triển khai đề án hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý, điều hành, đội ngũ lãnh đạo, y bác sĩ của các bệnh viện cũng như người bệnh, giúp công tác khám, chữa bệnh được hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân.
Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, đã hoàn thành triển khai các dự án về xây dựng trường thông minh cho các trường với các trang thiết bị hiện đại kết hợp với các hệ thống phần mềm dùng chung của ngành giáo dục. Qua 3 năm triển khai đề án đã xây dựng được 1.432 phòng học thông minh tại 89 trường học. Đổi mới trong phương pháp giảng dạy, tạo được sự hứng thú học tập, tăng tư duy, sáng tạo cho học sinh và thuận lợi cho giáo viên trong công tác soạn giảng.
Lớp học thông minh tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.
Riêng lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tổng số trạm quan trắc môi trường tự động đã đầu tư trên địa bàn tỉnh là 140 trạm. Qua đó, nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường, không khí, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Cùng với Giáo dục, y tế thông minh, Quảng Ninh cũng đang tích cực xây dựng mô hình Giao thông thông minh. Theo đó, tỉnh đang từng bước lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến QL18, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện, trang bị camera ghi hình cho CSGT khi thực thi nhiệm vụ.
Trên địa bàn TP Hạ Long đã triển khai lắp đặt 3.500/9.000 bóng đèn thông minh tiết kiệm năng lượng, theo đó, 1 năm tiết kiệm được trên 2 tỷ đồng tiền điện chiếu sáng và trong chi phí quản lý. Đầu tư hệ thống Wifi miễn phí trên địa bàn tỉnh với 107 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách…
Hiện nay, Quảng Ninh đang nhân rộng, xây dựng mô hình thành phố thông minh tại địa phương cho TP Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái. Theo đó, TP Móng Cái cũng đã chính thức đưa vào vận hành thí điểm mô hình Trung tâm Điều hành thành phố thông minh vào ngày 25/2/2020, đây là mô hình tiên tiến, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của TP Móng Cái.
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh cấp tỉnh hoạt động hiệu quả sau một năm đưa vào thí điểm.
Song song với triển khai các dự án trong đề án thành phố thông minh, tháng 8 năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khai trương Trung tâm Điều hành thành phố thông minh cấp tỉnh. Sau gần 1 năm hoạt động thí điểm, trung tâm này đã tích hợp dữ liệu và đồng bộ các hệ thống sẵn có của tỉnh, tạo ra cái nhìn toàn cảnh về tỉnh trên mọi lĩnh vực. Qua đó, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai đề án thành phố thông minh khẳng định Quảng Ninh đã đi đúng hướng, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đề án thành phố thông minh của tỉnh Quảng Ninh đang dần trở thành phương tiện để đạt tới các mục tiêu tốt đẹp cho các đô thị và cư dân. Đồng thời, thông qua đề án, tạo động lực cho Quảng Ninh tiến sâu hơn vào hội nhập quốc tế, và trở thành là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, khu vực miền Bắc nói chung và cả nước.