Theo nhận định của các chuyên gia, sức hấp dẫn này sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa một khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế và các hoạt động giao thương, đầu tư quốc tế trở lại bình thường.
Dòng vốn thế giới chuyển dịch mạnh
Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 được tổ chức ngày 28/10 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, do các yếu tố địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Báo cáo đầu tư toàn cầu năm 2020 của Liên hiệp quốc cũng đã dự báo, dịch COVID-19 có thể làm dòng vốn này giảm tới 40% trong năm 2020, từ mức 1,54 ngàn tỷ đô la Mỹ ghi nhận được vào năm 2019 có thể giảm tiếp 5-10% vào năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại diễn đàn "Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020: Đón sóng đầu tư mới".
“Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN. Để đạt được điều này, đó là nhờ những hành động rất tích cực của Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế”, Thứ trưởng Võ Thành Thống chia sẻ.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam còn do môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn như: nền chính trị ổn định, thủ tục hành chính được cải cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng...
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Nhờ sự đóng góp từ các hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh dù giao thương quốc tế vẫn còn bị ngắt quãng; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, trái ngược với thực trạng của nhiều nền kinh tế đang phát triển mà theo đánh giá của Liên hiệp quốc là phải chịu tác động nặng nề của đại dịch bởi sự gắn chặt tăng trưởng với xuất khẩu và quá chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa.
Bởi những rủi ro do sự phụ thuộc vào một số trung tâm cung ứng lớn, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các địa điểm khác, trong đó Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những doanh nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Có thể thấy, mặc dù 10 tháng của năm 2020, tổng vốn FDI cả nước giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đạt 23,48 tỷ USD với 2.000 dự án mới; trong đó, 46% vốn FDI dành cho lĩnh vực sản xuất và 15% cho BĐS.
Đón sóng đầu tư
Các chuyên gia chia sẻ về tiềm năng BĐS công nghiệp tại Việt Nam.
Nhận thức thực tế đó, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới. Trong đó, việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái đang là xu thế mới hiện nay.
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và BĐS công nghiệp Công ty CBRE Việt Nam, hiện nguồn cung đất công nghiệp cho thuê tại các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam đang hạn chế như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An. Chính vì vậy, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cho thuê đang làm tiềm năng và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Cụ thể, quý 3/2020, nguồn cung mới nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tăng mạnh ở các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm. Trong đó, xưởng và kho xây sẵn tại miền Bắc đạt khoảng 2,1 triệu m2, tăng trưởng 25,3% so với cùng kỳ. Tại miền Nam, diện tích kho xây sẵn đạt 2,7 triệu m2, tăng 28,2% so với cùng kỳ; xưởng xây sẵn đạt 2,9 triệu m2, tăng 11% so với cùng kỳ. Giá chào cho thuê cũng tăng mạnh, trong đó giá chào cho thuê đất công nghiệp tại một số KCN phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An tăng 20 – 30% so với cùng kỳ. Với xường xây sẵn, giá chào thuê vẫn ổn định, tuy nhiên giá cho thuê kho xây sẵn tăng 5 -10% ở các dự án mới.
Ông C.K Tong, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Công nghiệp BW, cho biết lợi thế của các kho, xưởng xây sẵn tại các KCN chính là tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng so với việc thuê lại đất công nghiệp, điều khoản thanh toán linh hoạt; giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính về xin giấy phép xây dựng, yên tâm về chứng chỉ xây dựng; đội ngũ quản lý cơ sở vật chất chuyên nghiệp, nhân lực sẵn có và cơ sở hạ tầng thuận lợi… Do vậy, phân khúc bất động sản công nghiệp được xem là tiềm năng tại Việt Nam và sôi động nhất từ năm 2020.
“Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã chọn Việt Nam để đầu tư lĩnh vực này. Hiện doanh nghiệp hiện diện tại 5 tỉnh, thành như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai với hơn 1,2 triệu m2 diện tích sàn. Riêng quý 3/2020, doanh nghiệp đã đầu tư 21 dự án, trong đó nhà xưởng xây sẵn 12 dự án, kho vận hậu cần 7 dự án, bán và cho thuê lại 2 dự án. Hiện doanh nghiệp đang tập trung chiến lược tăng trưởng đa hướng là mua lại, phát triển và cho thuê bất động sản công nghiệp”, ông C.K Tong chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo ý kiến ông Nguyễn Phước Lộc, TGĐ Công ty Quốc tế Protrade, để phát triển hạ tầng KCN sinh thái để thu hút các nhà đầu tư FDI nên tạo chuỗi cung ứng có giá trị cho thị trường BĐS công nghiệp, điều quan trọng là phải có đất sạch, hạ tầng chất lượng, giá cả hợp lý, giao thông và cảng biển phát triển, điều kiện sinh sống của công nhân trong nhà máy cũng phải tiện ích…
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, hiện cả nước có 336 khu công nghiệp có tổng diện tích khoảng 97.800 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistic… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả các “chú chim đại bàng lớn”. Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.