Người dân quận Đống Đa được xem công khai thông tin về kế hoạch chỉnh trang, cải tạo đường Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, thậm chí rất kém thì việc quản lý về trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung là vấn đề rất khó khăn với các nhà quản lý và chính quyền địa phương.
Đứng trước thực tế này, quận Đống Đa (Hà Nội) chọn cách chủ động thông tin tới người dân và đẩy mạnh cải cách hành chính ở những vấn đề nhạy cảm như quy hoạch, trật tự đô thị, cảnh quan kiến trúc, đất đai, cấp phép xây dựng… để hướng đến sự đồng thuận trong cách giải quyết, giảm phiền hà đối với người dân.
Nhà ông Nguyễn Văn Quang đã ở ngõ 157 phố Chùa Láng phường Láng Thượng (Đống Đa) từ nhiều năm nay. Theo định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới, gia đình ông thuộc diện giải phóng mặt bằng để dành đất mở rộng tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng-Voi Phục.
Ông Quang cho biết, không đợi để người dân phải tự mày mò tìm kiếm thông tin về sau giải phóng mặt bằng thì nhà cửa sẽ được xây dựng chỉnh trang thế nào, quận Đống Đa đã chủ động mời họp mặt trao đổi với người dân bị ảnh hưởng từ việc mở đường kể trên.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã công khai thông tin bằng hình ảnh về mặt cắt tuyến đường, đường chỉ đỏ cho người dân dễ nắm bắt và hình dung. Cũng tại buổi gặp gỡ, quận còn công khai các thủ tục về cấp phép xây dựng để các hộ dân dễ dàng thực hiện khi có nhu cầu xây dựng nhà cửa công trình.
“Việc làm của quận ngày càng minh bạch, công khai khiến người dân ngày càng tin tưởng, chúng tôi sẵn sàng dành đất cho việc mở đường trong thời gian tới,” ông Nguyễn Văn Quang nhận xét.
Còn ông Nguyễn Bách Nguyên, Tổ trưởng tổ dân phố 24, phường Láng Thượng nhìn nhận, khi chính quyền chủ động công khai thông tin, mọi người cũng có cơ sở và nắm được con đường nó đi như thế nào và ranh giới ra sao, từ đó giám sát và nhắc nhở bà con khi xây dựng thì tránh chỗ quy hoạch ra để đỡ thiệt hại cho gia đình, chính quyền cũng không mất công giải phóng mặt bằng sau này.
Trước đây, hồ Linh Quang (phường Văn Chương) bị lấn chiếm, khiến lòng hồ bị thu hẹp, quang cảnh ô nhiễm môi trường.
Để trả lại không gian cho hồ Linh Quang, quận Đống Đa đã vào cuộc giải phóng mặt bằng để cải tạo và chỉnh trang kiến trúc đô thị xung quanh hồ.
Dù công việc giải phóng mặt bằng còn phức tạp nhưng về cơ bản đã được người dân đồng thuận, do địa phương tích cực công khai các nội dung liên quan.
Một buổi công khai thông tin về quản lý đô thị tại quận Đống Đa. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Ông Nghiêm Trọng Hạnh, người dân sống cạnh hồ Linh Quang cho rằng, người dân rất phấn khởi với việc công khai của chính quyền trong chỉnh trang hồ. Nếu không công khai chúng ta sẽ thấy có rất nhiều dư luận hiểu biết khác nhau và dẫn đến hoài nghi chủ trương tốt của quận, thành phố.
“Tôi nghĩ công khai hình ảnh là rất tốt, sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nếu chúng ta chỉ nói suông về một dự án,” ông Hạnh bày tỏ.
Theo Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, với mục tiêu xây dựng quận tới năm 2030 trở thành quận đô thị xanh, thông minh, hiện đại, Đảng bộ quận xác định phải nỗ lực, hoàn thành các nhiệm vụ mang tính đột phá.
Để thực hiện, quận Đống Đa đang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm đích phấn đấu; tăng cường quản lý đô thị, xây dựng bộ mặt đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại, trật tự, xanh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường...
Về hạ tầng, quận Đống Đa tập trung xây dựng tuyến đường Thái Hà-Huỳnh Thúc Kháng; Tôn Đức Thắng-Nguyễn Lương Bằng-Tây Sơn; Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Khâm Thiên; Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, văn minh đô thị, văn minh thương mại, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Trao đổi về mục tiêu trên, ông Hà Minh Hải, Bí thư Quận ủy Đống Đa cho biết, qua gặp gỡ với người dân trên địa bàn, nhiều người bày tỏ lúng túng, thiếu hiểu biết, ngại ngần khi tiếp xúc các thủ tục về trật tự xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, vấn đề đất đai, cải cách hành chính…, dẫn tới làm sai hoặc làm chưa đúng ảnh hưởng tới hiệu quả công việc.
Nắm bắt được điều này, quận ủy ra Nghị quyết 08 về tăng cường lãnh đạo quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận; trong đó tập trung lãnh đạo giải quyết các vấn đề chính người dân quan tâm như: cải cách thủ tục cấp phép xây dựng, quy hoạch…
“Để người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của thành phố và quận về các lĩnh vực kể trên, trước hết phải công khai minh bạch mọi thủ tục, theo hướng dễ tiếp cận, ngắn gọn, đồng bộ,” ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa, sau khi có chỉ đạo của quận ủy, các bộ phận liên quan đã bắt tay xuất bản cuốn tài liệu “Cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra xử lý các vi phạm trật tự xây dựng,” phát tới tổ dân phố. Đồng thời, quận Đống Đa còn ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng “cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật.”
Sau khi giải phóng mặt bằng, quận Đống Đa đã yêu cầu người dân đường Trường Chinh xây dựng nhà cửa đồng bộ về cảnh quan kiến trúc. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Với nền tảng công nghệ, người dân có thể vào địa chỉ htt://dongda.hanoi.gov.vn/quanlydothi để tra cứu các thông tin liên quan về trật tự xây dựng như Quy hoạch, giao thông, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng, môi trường, cây xanh và kinh tế xã hội khác…
Sau khi có các tài liệu trên, quận Đống Đa đã thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, bằng việc tổ chức hội nghị ở cấp phường, mời đại diện dân cư liên quan đến dự để trực tiếp giải đáp, trao đổi công khai thông tin liên quan.
Ông Hà Anh Tuấn cho biết thêm, hiện Ủy ban nhân dân quận đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu để công khai sâu rộng và đầy đủ hơn đến các tổ chức, công dân về các lĩnh vực như: quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị...
Từ đó, người dân có công cụ, tra cứu một các cụ thể chính xác giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, công dân được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Còn trong trường hợp người dân đến làm việc trực tiếp về các lĩnh vực kể trên, đều được phát phiếu đánh giá về sự hài lòng để quận có căn cứ điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.
Theo số liệu của Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, nhờ công khai quy hoạch, việc quản lý trật tự xây dựng mà tình hình vi phạm trật tự trên địa bàn giảm hẳn. Năm 2018, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng là 13,3% thì đến năm 2019 giảm xuống còn 8,3%.
Tính đến đầu tháng 9, trên địa bàn có 383 công trình xây dựng, nhưng chỉ có 14 công trình vi phạm, bằng 3,7%. Còn đối với cấp phép xây dựng đã giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày không tính ngày nghỉ.
Qua những con số trên cho thấy, việc công khai và cải cách hành chính đã góp phần quan trọng trong nâng cao quản lý đô thị trên địa bàn Hà Nội./.